Thái độ đúng của người Phật tử trong đại dịch Covid-19

Facebookmail
Sau vụ Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) chấm dứt cách ly theo quy định sau 22 ngày với nhiều nỗ lực và cả sự căng thẳng của nhiều nơi dõi về xã được nghi là “tâm dịch Covid-19” ở nước ta, mọi người thở phào nhẹ nhõm vì không có trường hợp nào dương tính.
TNB-24948.jpg
Chư Tăng chùa Linh Bửu (Quảng Nam) đo thân nhiệt và tặng khẩu trang cho du khách viếng chùa – Ảnh: B.A/phatgiaoquangnam.com

Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên sắp được đi đến trường trở lại, hy vọng nhịp sống sớm trở về trạng thái bình thường, chỉ còn vài hôm, nếu không có ca nào mới, Chính phủ sẽ tuyên bố Việt Nam hết dịch. Đùng một cái, tối 6-3 vừa qua, ngành y tế công bố có thêm một bệnh nhân dương tính với Covid-19, từ châu Âu trở về, ngụ tại Hà Nội.

Những ngày này, cả nước lại nóng lên bởi số ca nhiễm Covid-19, cho đến 20g30′ ngày 16-3 đã tăng lên 61 ca. Điều đáng mừng là ở nước ta 16 bệnh nhân đã được chữa khỏi và cho đến nay chưa có trường hợp nào tử vong.

Ở hoàn cảnh này, người viết nhớ tới những lời dạy của Đức Phật, về thái độ trước những bất ổn của cuộc đời, trong đó có nỗi ám ảnh về bệnh tật. Dù không ai muốn, nhưng không ai có thể tránh khỏi một lần bất ổn về sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận bệnh tật là một phần tự nhiên của sự sống, chúng ta sẽ không bị hoang mang, lo âu và sợ hãi, khủng hoảng tinh thần.

Cũng trong ý nghĩa đó, ngài Dalai Lama, vị thầy có ảnh hưởng và được nhiều người yêu mến vì sự chân thành, đã diễn đạt một cách giản dị: “Dù bệnh trạng biến chuyển như thế nào thì cũng phải hiểu rằng có hoảng loạn cũng chẳng giải quyết được gì cả mà cũng chỉ là cách ghép thêm khổ đau vào đau khổ mà thôi (hoảng loạn cũng là một thể dạng khổ đau). Tôi vẫn thường nhắc đến lời khuyên rất thiết thực của vị Đại sư Ấn Độ Tịch Thiên (Shantideva), đại khái như sau: ‘Nếu đã có một giải pháp thì lo âu để mà làm gì, cứ mang giải pháp ấy ra mà áp dụng. Nếu không còn một giải pháp nào nữa thì lo lắng cũng chỉ là vô ích, chỉ làm cho sự đau đớn gay gắt thêm mà thôi’”.

Phòng ngừa là phương thuốc chữa trị hiệu nghiệm nhất. Phương thuốc đó liên hệ đến cách ăn uống và lối sống lành mạnh thường ngày của mỗi người. Đừng sa vào rượu chè và thuốc lá, để rồi tự hủy hoại sức khỏe của mình chỉ vì sự thích thú nhỏ nhoi và tạm bợ từ những kích thích đó.

Ngài cũng nhắc lại lời dạy của Đức Phật với các thầy Tỳ-kheo, rằng nếu ăn uống không đầy đủ thì cơ thể sẽ bạc nhược, đó là một sự sai lầm; ngược lại, thói sống phủ phê, dư thừa là cách làm tiêu hao công đức của mình. Người biết sống, để có sự an lạc, hạnh phúc là người luôn ý thức kiểm soát và kiềm chế lòng ham thích của chính mình.

Là Phật tử, chúng ta cần ngẫm lại lời dạy của Đức Thế Tôn và các bậc Thầy, ứng dụng vào đời sống, lợi lạc thiết thực hiện tại, tránh các cực đoan. Theo đó, không nên vì quá lo âu mà dẫn đến những hành vi thái quá, cực đoan, như việc đổ xô, giành giựt mua thực phẩm về trữ, hoặc đầu cơ, trong khi các ngành chức năng tuyên bố bảo đảm nguồn cung ổn định, như đã thấy một vài nơi.

Nhìn những gì đã xảy ra, chúng ta cần bình tĩnh, phòng tránh theo hướng dẫn y khoa, và cùng cầu nguyện hồi hướng năng lượng thiện lành đến tất cả, như nội dung trong câu sám hồi hướng mà người Phật tử thực hành cuối mỗi thời khóa lễ theo kinh tụng hàng ngày.

Thích Pháp Hỷ/Báo Giác Ngộ số 1041
Nghe Đại đức Thích Trí Minh, Bác sĩ Chuyên khoa cấp 1 chia sẻ

Bài mới đăng

Comments are closed.