Việc Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đưa vấn đề Chùa Ba Vàng ra trước phiên họp của Quốc Hội là một hành vi lạm quyền, vô cùng sai trái, bởi vì:
Thứ nhất, Hầu hết và gần như tất cả các phiên họp của Quốc hội trên toàn thế giới này đề chỉ bàn tới vấn đề ngân sách, bầu các chức vụ của chính phủ, chất vấn các thành viên của chính phủ (nếu có vấn đề gì trọng đại liên quan đến chính quyền), thảo luận về các dự án luật, luận tội, truất phế một thành viên chính phủ, kể cả tổng thống, nếu tổng thống phạm tội.
Thứ hai, Quốc hội không phải là nơi bàn về những chuyện của tôn giáo. Ngay tại Hoa Kỳ, chuyện ấu dâm làm rúng động cả thế giới nhưng không bao giờ các dân biểu, thượng nghị sĩ lên tiếng hoặc phát biểu quan điểm của mình trước Quốc hội bởi vì: Tôn giáo là một vấn đề rất nhạy cảm. Tín đồ của họ hoặc Giáo hội của họ phê bình chỉ trích thì không sao.
Mình là dân biểu (đại diện cho toàn thể dân chúng) mà xía vào thì rất nguy hiểm.
Thứ nữa, cả thế giới này người ta theo nguyên tắc “Tôn giáo và Nhà nước Tách Biệt” (Separation of Church and State) tức chính quyền kể cả Quốc hội không được phép can dự vào nội bộ các tôn giáo. Và tôn giáo không được can thiệp vào các vấn đề của quốc gia.
Vậy nếu đưa chuyện một chức sắc hay một tín đồ tôn giáo nào ra bàn trước Quốc hội – là vi phạm Hiến pháp. Ngay trong phiên họp này, Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhắc nhở các đại biểu về quyền tự do tín ngưỡng của người dân.
Thứ ba, Nếu Chùa Ba Vàng có vi phạm luật pháp thì phải do kết quả điều tra của cơ quan tư pháp hoặc của chính quyền địa phương. Bài phóng sự của một tờ báo dù là báo lớn nhất vẫn chưa phải là một bằng chứng phạm pháp để truy tố, để đưa ra Quốc hội lên án, chỉ trích.
Xin nhớ truyền thông bao gồm phát thanh, truyền hình và báo chí không phải là Công an hay Viện Kiểm sát Nhân dân. Tòa án không thể căn cứ vào bất cứ bài phóng sự nào để kết tội một công dân.
Xin nhớ báo chí vẫn có thể bất công, sai trái, thiên vị, tống tiền, bất lương… chứ báo chí không phải hoàn toàn là Bao Công “chí công vô tư”.
Công luận (dân chúng) có thể bị ảnh hưởng bởi báo chí, nhưng chính quyền bao gồm Chính phủ, Quốc hội và Tòa án không thể bị ảnh hưởng bởi báo chí tức không bị thao túng hoặc bị dẫn dắt bởi báo chí.
Không thể lôi ra tòa xét xử một công dân hoặc thảo luận trước Quốc hội chỉ vì một bài phóng sự của báo Lao động.
Thứ tư, Nếu Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ quan tâm tới vấn đề “mê tín dị đoan” thì có thể than phiền hoặc đề nghị Quốc hội nghiên cứu một dự luật về vấn đề này… nhưng tuyệt đối không được nêu đích danh bất cứ cá nhân hay một tổ chức tôn giáo nào trước Quốc hội.
Xin nhớ Quốc hội là cơ quan làm luật. Quốc hội không phải là cơ quan thi hành luật (Hành pháp) và xét xử (Tư pháp).
Nếu nêu đích danh họ mà chưa có kết luận của cơ quan điều tra, nạn nhân có thể kiện trước tòa án về tội phỉ báng.
Thứ năm, Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nên “học cách” để làm đại biểu Quốc hội – tức hiểu biết thẩm quyền của Quốc hội tới đâu và mình có quyền nói cái gì và không được quyền nói cái gì.
Tuyệt đối Quốc hội không được đem vấn đề riêng của tôn giáo ra bàn và nhất là không được phỉ báng công dân hoặc các tổ chức dân sự.
Các giáo hội là các tổ chức dân sự. Các tu sĩ phạm giới thì để các Giáo hội của họ giải quyết, ngoại trừ khi họ phạm pháp như: Hãm hiếp, ấu dâm, lừa đảo, rửa tiền, bạo hành, trốn thuế, bạo loạn, lật đổ… thì chính quyền và cơ quan tư pháp sẽ can thiệp và đó cũng không phải là nhiệm vụ của Quốc hội.
Thứ sáu, Tôi ở xa đất nước một đại dương mênh mông (35 năm chưa về thăm quê hương) mà còn biết tình hình ở Việt Nam. Còn Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ ở ngay trong lòng đất nước mà không biết gì cả.
Bà cố tình quên đi những điều mà chùa Ba Vàng đã làm được. Hàng mấy ngàn sinh viên nam nữ tới đây học tập những đức tính tốt, biết yêu thương cha mẹ, trách nhiệm với bản thân mình, từ bỏ những thói hư tật xấu, quy ngưỡng về Tam Bảo…, đó là hành trang vào đời để trở thành những công dân hữu dụng cho đất nước.
Chùa Ba Vàng còn là nơi các em gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhau và sau này có thể kết bạn đời – đó là môi trường lý tưởng mà bậc phụ huynh nào cũng mong con cái mình tới đó vì…còn hơn nó kết bạn ở phòng trà, ca vũ, đường phố hay chốn chợ đời.
Rồi thì bao nhiêu phụ nữ trước đây dữ dằn, chửi thề tục tĩu, tham-sân-si đầy mình, đánh chửi con cái, vợ chồng sống như kẻ thù, nay nhờ chùa Ba Vàng mà trở nên những người rất dễ thương, biết ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, ngồi Thiền, sống đời hạnh phúc…, điều mà chính quyền có đầu tư cả tỷ Mỹ Kim cũng không làm được.
Tôi quý trọng chùa Ba Vàng là ở chỗ đó. Tôi quý trọng Tăng/Ni là ở chỗ đó.
Chùa Ba Vàng đã đóng góp rất lớn vào vấn đề “An dân” mà trong Bình Ngô Đại Cáo, cụ Nguyễn Trãi dạy rằng, “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”.
Gia đình không yên ổn thì làm sao xã hội yên ổn? Xã hội không yên ổn thì làm sao đất nước yên ổn? Con người không có đạo đức thì gia đình sao có đạo đức? Gia đình không đạo đức thì làm sao xã hội có đạo đức? Xã hội không đạo đức thì làm sao đất nước có đạo đức?
Hãy nhìn chùa Ba Vàng ở khía cạnh đó. Xin đừng nhìn vào lỗi lầm nho nhỏ để phủ nhận công lao to lớn của người ta. Đó là bất công.
Trong Phật giáo nếu lỗi lầm (không phải là phạm tội với luật pháp) thì sám hối rồi tu sửa chứ không hề có luận tội, kết án.
Thứ bảy, Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ nên xin lỗi chùa Ba Vàng và cô Phạm Thị Yến rằng, “Tôi đã lỡ đưa vấn đề này ra trước Quốc hội mà vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cũng không phải là thẩm quyền của tôi.”
Xin nhắc Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ rằng, đối với người khôn ngoan, chuyện bé thì đừng xé ra to.
Người dân, chính quyền và Giáo hội được gì đây khi cứ khoét sâu và khai thác “Vụ Chùa Ba Vàng” hay đất nước lại rối loạn thêm?
Thứ tám, Cuối cùng, tự do tín ngưỡng là gì? Là quyền tin vào một giáo lý giải thoát thực tiễn hoặc tin vào cái gì huyền bí không sao giải thích được.
Thí dụ: Tôi tin rằng có vong nhập và báo oán (đòi nợ) làm khổ tôi thì đó là quyền tự do tín ngưỡng của tôi. Tôi không làm khổ ai và tôi có quyền tới chùa để xin “thỉnh oan gia trái chủ” giúp tôi. Quả nhiên sau đó tôi cảm thấy bình an, đầu óc không còn điên loạn và tôi có đền ơn chùa (cúng dường) hoặc tới làm công quả cho chùa, thì đó có phải là điều phạm pháp hoặc mê tín dị đoan không?
Xin tất cả quý cao tăng thạc đức, các nhà nghiên cứu Phật học, các nhà nghiên cứu văn hóa và kể cả các luật gia giải đáp cho.
Nếu bảo đó không đúng với quy định /tôn chỉ riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì tôi đồng ý. Còn nói đó là mê tín, dị đoan hoặc phạm pháp thì tôi cãi tới cùng.
Chẳng hạn, cầu siêu cho chiến sĩ trận vong, có phải là thỉnh vong linh của các chiến sĩ tử trận về nghe kinh Phật để rồi giác ngộ, rồi giải thoát không?
Câu hỏi đặt ra là quý chư Tăng/Ni đang ê a tụng kinh kia có chắc là các vong linh tử sĩ phiêu bạt khắp bốn phương trời, quy tụ về đây để nghe kinh không? Hay đây chỉ là niềm tin? Hay đây chính là mê tín dị đoan?
Do đó nếu kết luận rằng “thỉnh oan gia trái chủ” của chùa Ba Vàng là mê tín, dị đoan… thì hoàn toàn võ đoán và áp đặt vì áp lực của một bài báo, hơn là chân lý.
Chân lý của Phật là “ngũ uẩn giai không” nhưng tùy khổ đau của chúng sinh mà phát tâm cứu độ. Không có cái gì Đúng mà cũng không có cái gì Sai -mà tất cả chỉ vì Từ Bi. Đó là tâm Phật, đó là cốt tủy của đạo Phật.
Đi ra ngoài chân lý này là xa lìa đạo Phật, xa lìa truyền thống Tam giáo của dân tộc Việt Nam.
Thứ chín, Xin đóng góp ý kiến như vậy để mọi việc giải quyết êm đẹp trong tinh thần Lục Hòa: Kiến Hòa Đồng Giải, Khẩu Hòa Vô Tranh và Giới Hòa Đồng Trụ… tức cùng nhau sống yên ổn, hòa thuận dưới một mái nhà.
Xin đừng đánh đổ đồng “cá mè một lứa” giữa việc cúng bái nhảm nhí của một số thầy bói thầy cúng …với việc giải oan, cúng vong, cầu an, cầu siêu cho các vong linh, thai nhi, đồng bào tử nạn, chiến sĩ trận vong của các Chùa.
Chùa là một tổ chức có đại học để đào tạo tăng/ni, có hệ thống điều hành quy củ, có giáo luật, có truyền thống dân tộc cả ngàn năm, có tổ chức quốc tế chứ không phải là một giáo phái/ tà giáo/một nhóm con tin (cult) và có một giáo lý đang trở thành lương tâm của nhân loại.
Xin tất cả (kể cả các đại biểu Quốc hội) hãy tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của toàn dân (trong đó có Phật tử chùa Ba Vàng) như Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam nói và hãy để nội bộ Giáo hội giải quyết. Đó chính là việc thực thi quyền Tự Do Tín Ngưỡng được ghi trong Hiến Pháp mà Quốc hội, Chính quyền cùng Tòa án có trách nhiệm phải bảo vệ.
Còn cái gọi là “mê tín dị đoan” thì như Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam nói phải từ từ nêu gương để chuyển hóa họ chứ không thể nhục mạ kết tội họ được và nhất là không được đưa ra Quốc hội để bêu riếu.
Xin nhớ trên thế giới này hiện có vài tỷ người kể các nước Âu-Mỹ, Nhật Bạn….mê tín dị đoan khủng khiếp mà có ai kết tội họ đâu- ngoại trừ khi họ vi phạm luật pháp quốc gia.
Xin dùng Trí Tuệ và đừng dùng thương ghét hoặc cảm tính theo kiểu “Tăng Sâm giết người”. Nghe báo chí nói mà hành động là hành động theo kiểu “Tăng Sâm giết người”.
Đào Văn Bình (California ngày 7/6/2019)
Nguồn: phattuvietnam.net