Cách tiếp cận của Phật giáo Việt Nam trong việc ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0

Facebookmail

Qua hai nghìn năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam đã chứng minh một nền Phật giáo nhập thế. Nhập thế hay nhập cuộc vào đời sống thực tiễn xã hội là một đặc tính quyết định giá trị nội tại của Phật giáo Việt Nam (PGVN). Từ thuở bình minh du nhập vào Việt Nam đến hôm nay, giá trị này đã được chứng minh qua từng trang sử vàng của dân tộc và của Phật giáo Việt Nam. Những câu nói “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” hay “Đạo pháp cùng chung con thuyền với dân tộc” phản ánh một sự thật mang tính truyền thông lịch sử.

Tích cực và chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là yêu cầu tất yếu khách quan, vừa là thách thức đối với Phật giáo Việt Nam, là vấn đề lớn luôn được lãnh đạo cao cấp nhất của GHPGVN đặc biệt quan tâm. Chính vì thế tại điểm thứ 8 trong 9 mục tiêu về nghị quyết phương hướng hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ VIII (2017-2022) đã được Đại hội toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), đặt ra là: “Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức GHPGVN các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.

Năm thứ hai, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII GHPGVN, dưới sự chỉ đạo của Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS), Thượng toạ Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Hoà thượng Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng 2 và một số chư Tôn đức, GHPGVN đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trong việc ứng dụng công nghệ để quản lý, điều hành các cấp Giáo hội. Qua đó, đã đạt được một số thành tựu góp phần vào lộ trình của Cách mạng công nghiệp 4.0.

  1. Giáo hội đã cấp thẻ dữ liệu số cho các ban viện trực thuộc Trung ương Giáo hội.
  2. Một số tỉnh, thành đã ứng dụng việc quản lý Tăng Ni bằng thẻ dữ liệu số.
  3. Hiện đang triển khai Thư viện số cho bốn Học Viện Phật giáo Việt Nam.
  4. Sự ra đời của Mạng xã hội Phật giáo “butta.vn”.
  5. Phật sự Online TV đã và đang phát triển không ngừng, trở thành một kênh truyền thông tích cực góp phần truyền tải các giá trị tốt đẹp của Phật giáo vào đời sống của con người hiện đại.
  6. Ban điều hành kênh Phật sự Online đang có Đề án xây dựng toà nhà Công nghệ cao Phật giáo và phim trường Phật sự Online tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
  7. Phật giáo Nam tông Khmer đã hoàn thành chương trình số hoá Tam tạng kinh Pali-Khmer và ra mắt ứng dụng Tam tạng kinh trên nền tảng Android và ISO,… các hệ phái khác cũng đang hướng tới việc số hoá Tam tạng kinh,…

Năm 2018, Trung ương Giáo hội đã 2 lần đón tiếp Đại sứ Quán và Tổng Lãnh sự quán Hoa kỳ tại Việt Nam. Tại đây, phía Hoa Kỳ đánh giá cao và ủng hộ Giáo hội về mặt nguyên tắc để Tăng Ni sẽ gặp thuận lợi hơn khi công tác và học tập ở nước ngoài thông qua thẻ dữ liệu số.

 

Trong phiên Hội thảo Quốc tế Vesak 2019 tại diễn đàn “Phật giáo và Cách mạng công nghiệp 4.0” Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Phan Tâm đã nhận định và đánh giá cao về sự đột phá của GHPGVN trong việc số hóa văn bản hành chính của Giáo hội cụ thể là Tổ Thông tin Tuyên truyền Văn phòng Trung ương Giáo hội đã tiên phong đi đầu trong công nghiệp 4.0, có đột phá về số hóa văn bản hành chính và đặc biệt là sự hiện đại trong việc truy cập các thông tin, văn kiện và các bài tham luận của Đại lễ LHQ Vesak 2019” qua mã code QR.

Xin giới thiệu một số hình ảnh: 

Hoài Thái – Minh Ân

Bài liên quan

Comments are closed.