Tham luận ĐỊNH HƯỚNG VÀ TÂM THẾ HOẰNG PHÁP TRONG THỜI ĐẠI MỚI QUA TRƯỜNG HỢP ĐIỂN HÌNH BHUTAN

Facebookmail

Tham luận của Đại đức Thích Thanh Tâm – Ủy viên Ban hoằng pháp TƯ GHPGVN tại Hội thảo Hoằng pháp 15 tỉnh thành miền Trung – Cao nguyên tổ chức tại Nha Trang ngày 28 &29/9/2018.

Tóm tắt
Hoằng pháp trong thời đại mới, không chỉ bằng phương tiện công nghệ mà phải có định hướng chiến lược và tâm thế hoằng pháp; nghĩa là có định hướng phù hợp thời đại mới, đáp ứng nhu cầu tâm linh, góp phần giải quyết các vấn nạn toàn cầu, ổn định hiện tại, bền vững tương lai; và nhân sự hoằng pháp phải có tâm, có lực và vị thế như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng ba cấp độ: cá nhân an lạc, quốc gia hạnh phúc, nhân loại hòa bình. Để minh chứng cho định hướng này, tác giả tham luận nghiên cứu và luận chứng qua trường hợp vương quốc Phật giáo Bhutan.
Khi thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên thì Bhutan – qua nhiều năm phát triển, bên cạnh quá trình toàn cầu hóa, vẫn giữ được những nét vốn có từ thế kỷ XVII – lại càng nổi lên như một quốc gia đi đầu, định hướng được cách phát triển bền vững, bởi ý tưởng Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) phát xuất từ nền tảng giáo lý “ thiểu dục tri túc” mà cựu Quốc vương Jigme Singye Wangchuck đề ra như là mục tiêu phát triển hàng đầu bàng bạc trong tinh thần chính trị Bhutan, nhằm tiếp cận sự phát triển cân đối giữa vật chất và các giá trị phi vật chất với niềm xác tín con người muốn tìm kiếm hạnh phúc thật sự.
Cho nên, với hội thảo Hoằng pháp khu vực miền Trung – Cao nguyên, chủ đề “HOẰNG PHÁP TRONG THỜI ĐẠI MỚI”,tham luận này đề cập đến hiệu quả thực sự từ định hướng đến tâm thế hoằng pháp trong thời đại mới qua trường hợp điển hình Bhutan, thể hiện từ định hướng phát triển, Phật hóa nhân gian xem trọng nếp sống hạnh phúc hơn là tạo nhiều của cải vật chất, đến gợi mở mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững phù hợp với nhu cầu cấp thiết của nhân loại. 
Từ khóaBhutan, GNH, Phật hóa nhân gian, mô hình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, hạnh phúc biết đủ, tâm thế hoằng pháp, ba cấp độ hoằng pháp.

1. Vương quốc Phật giáo Bhutan
Bhutan có diện tích 47.500 km². Dân số được ngân hàng thế giới thống kê vào năm 2014 là 766.000. Người Bhutan gồm có những dân tộc chính như: nhóm Sharchops, sống ở miền Đông Bhutan – là cư dân căn bản của Bhutan, được pha trộn giữa người Ấn Độ và Mông Cổ. Nhóm thứ hai là Lhotshampa, là người Nepal lập nghiệp tại Bhutan vào cuối thế kỷ thứ 19 và dùng tiếng Nepal để giao dịch với nhau. Nhóm thứ ba là Ngalong, gốc người Tây Tạng, đến Bhutan vào thế kỷ thứ 9; ở phía Tây, giáp giới với Tây Tạng, dùng Tạng ngữ để giao tiếp.
Về kinh tế – xã hội, Bhutan là quốc gia nông nghiệp, chủ yếu tự cung tự cấp; là nguồn chính của sinh kế cho khoảng 79% người dân sống ở các khu vực nông thôn. Nông nghiệp dựa trên các phương pháp truyền thống được ưu tiên hơn cơ giới và phương pháp hiện đại. Du lịch là nguồn thu lớn nhất, dù số lượng du khách bị giới hạn bởi mức thuế cao, phù hợp với chính sách của chính phủ về bảo tồn văn hóa và hiện đại hóa. Viện trợ nước ngoài có vai trò quan trọng, nhất là từ Ấn Độ; xuất khẩu chủ yếu là điện năng sang Ấn Độ và một số mặt hàng khác như quặng thạch cao, gỗ xây dựng, hàng mỹ nghệ, hoa quả, đá quý và gia vị. Bhutan gần đây kinh tế tăng trưởng cao hơn nhờ phát triển thủy điện.
Về chính trị, Bhutan thời cổ đại luôn được bao trùm bởi màn sương thần bí. Vào thế kỷ 16, khi chấm dứt cuộc cuộc chiến giữa các lãnh chúa, Shabdrung – Ngawang – Namgyal (1594 – 1651) đã thống nhất đất nước. Sau khi Namgyal mất, Bhutan rơi vào tình trạng nội chiến. Lần nội chiến này làm phân liệt cục diện hơn 100 năm, cho đến 1907, Gongsar – Ugyen – Wangchuck được toàn bộ thủ lãnh địa phương nhất trí bầu chọn làm quốc vương thì nội chiến kết thúc. Sau đó, chế độ quân chủ của vương triều dần dần được xác lập.
Vào tháng 6/1998 nhà vua ban hành Hiến pháp, cải cách chính trị và lấy việc bỏ phiếu của dân bầu làm gốc. Hội đồng cố vấn của hoàng gia thành lập vào năm 1965 để cố vấn cho vua cũng như cho Hội đồng bộ trưởng trong những vấn đề quan trọng. Vị chủ tịch của Hội đồng nầy do vua bổ nhiệm. Có tất cả là 6 vị; trong đó có 2 vị là Tu sĩ. Năm 1998 nhà vua đã chỉ định thành lập Hội đồng bộ trưởng. Bộ trưởng ngoại giao lâu đời nhất là ông Lompo Dawa Tsering, từ 1972 đến 1998. Kể từ 1998 vị Bộ trưởng ngoại giao được chọn lựa bởi Hội đồng bộ trưởng để điều hành việc ngoại giao với các nước bên ngoài.
Sau một giai đoạn tự cô lập, Bhutan đã mở cửa với thế giới và trở thành thành viên của LHQ năm 1971. Bhutan đã tham gia đầy đủ các điều lệ của LHQ nên cam kết mọi điều trong tất cả các vấn đề quốc tế. Bhutan đã có quan hệ ngoại giao với 22 quốc gia, và duy trì cơ quan ngoại giao thường trú tại New Delhi, Dhaka, Kuwait, Bangkok và phái đoàn thường trực tại LHQ ở New York và Geneva.
2. Cựu Quốc vương Phật tử Jigme Singye Wangchuck
Cựu Quốc vương sinh ngày 11/11/1955, là vua thứ tư của Bhutan; tốt nghiệp trường Đại học của Bhutan ở Paro, rồi học ở Ấn Độ và Anh Quốc; là nhà cải cách, là một kiến trúc sư cho việc bảo vệ môi sinh của Bhutan. Ngài kế tục con đường giáo dục, kinh tế và ngoại giao để phát triển những thành quả tốt đẹp mà vua cha để lại; giữ gìn truyền thống văn hóa cổ truyền và chủ trương một quốc gia, một dân tộc dân chủ. Nhà vua đẩy mạnh hiện đại hóa giáo dục, nâng cấp hệ thống y tế và chủ trương miễn phí giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội.
Quyền lực tuyệt đối nằm trong tay nhà vua chỉ mang lại lợi ích cho đất nước khi là một vị vua sáng suốt, tận tụy. Nếu trong tương lai, người lên ngôi không có đủ năng lực hay đạo đức thì đất nước sẽ thiệt hại nặng nề. Chính vì thế, nhà vua nghĩ,  Bhutan phải dân chủ hóa, chuyển quyền lựa chọn người điều hành đất nước vào tay nhân dân, thông qua việc bầu cử nghị viện. Do đó, cuộc bầu cử nghị viện đầu tiên được tổ chức năm 2008, mở đầu chế độ quân chủ lập hiến tại Bhutan.
Đồng thời, qua những hình mẫu phát triển của nước ngoài, nhà Vua thấy người dân không hạnh phúc khi khoảng cách giàu – nghèo ngày càng gia tăng, phúc lợi xã hội không được đảm bảo, môi trường bị phá hủy trầm trọng từ quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế. Sau bao băn khoăn, trăn trở, ông đã tìm kiếm và tự xây dựng một khái niệm hạnh phúc mới – hạnh phúc không đo bằng tiền bạc mà đo bằng chính sự hài lòng, thỏa mãn của con người với cuộc sống hiện tại, bằng sự cân đối giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần thông qua chỉ số GNH. Đồng thờiBottom of Form
khẳng định, Bhutan sẽ theo đuổi mục tiêu đem thịnh vượng đến các vùng miền khắp đất nước, đồng thời bảo đảm phát triển luôn đi kèm với việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bảo vệ môi trường cũng như duy trì một chính phủ đầy uy tín, trách nhiệm trước dân.
3. Hiệu quả hoằng pháp từ định hướng đến tâm thế lãnh đạo quốc gia của nhà vua Bhutan
Với lý thuyết của chủ nghĩa Kiến tạo, tác giả tham luận cho rằng học thuyết Phật giáo trong tín ngưỡng Bhutan là nhân tố chủ lực tác động đến nhận thức của nhà vua cũng như giới lãnh đạo để từ đó vận dụng xây dựng và phát triển đất nước theo hướng riêng biệt. Như vậy, với tâm thế người lãnh đạo đã được un đúc bởi giáo lý thì “hoằng pháp”  thông qua việc xây dựng và phát triển đất nước chắc chắn mang lại hiệu quả cao và định hướng phát triển cho một quốc gia hạnh phúc.
Thứ nhất, dễ dàng vận dụng giáo lý Phật giáo vào nếp sống thường nhật và xây dựng luật pháp, phát triển kinh tế – xã hội bền vững. 
Giáo lý Phật giáo được dùng như kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của người dân Bhutan và là nền tảng cơ bản để xây dựng luật pháp của chính phủ hoàng gia. Từ trang phục, cách sinh hoạt đến giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường thiên nhiên v.v. đều có những quy tắc chuẩn mực của nó. Luật pháp Bhutan nghiêm cấm chặt phá cây rừng, giết hại muôn thú v.v. và cuối năm 2004 cấm hẳn việc mua bán và hút thuốc lá, trở thành một quốc gia không khói thuốc đầu tiên trên thế giới.
Bởi Phật giáo ảnh hưởng đến đời sống chính trị tại Bhutan cũng như chính sách của chính phủ nên thực hành triệt để việc bảo vệ thiên nhiên và lưu giữ được những truyền thống tốt đẹp tự ngàn xưa. Năm 1995 Quốc Hội Bhutan biểu quyết giữ lại 60% rừng nên ai chặt cây bừa bãi sẽ bị luật pháp nghiêm trị. Chính điều đó mà hiện Bhutan có môi trường thiên nhiên rất tốt, rừng rậm còn nguyên vẹn. Dân số càng ngày càng tăng cho nên chính phủ phải bảo vệ môi sinh một cách chặt chẽ có hệ thống nên nhiều người đã quả quyết, nếu trong tương lai môi trường thế giới bị ô nhiễm thì Bhutan vẫn tồn tại an lành.
Người dân có ý thức cao về môi trường nên mỗi người dân là một người giám hộ tài nguyên thiên nhiên và môi trường vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai; là nhiệm vụ cơ bản của mỗi công dân đóng góp vào việc bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học của Bhutan.
Đức vua hướng dẫn người dân, cần phải tiết chế dục vọng và tính tham lam bất tận bằng pháp tri túc thiểu dục của nhà Phật, để không tiếp tục điên cuồng nhắm mắt chạy theo những lợi lộc đơn thuần vật chất mà tự phá hủy môi trường sống của chính mình, bởi Phật giáo luôn chủ trương một nếp sống giản đơn, tiết kiệm. Phát triển kinh tế phải đồng thời với việc phát triển đạo đức, phát triển tâm thức và phát triển sự nhận thức về con người và thế giới. Phật giáo không phủ nhận việc phát triển kinh tế, bởi sự thiếu thốn tài vật dễ đưa con người đến vi phạm những vấn đề đạo đức và làm băng hoại xã hội, nhưng sự giàu có được xây dựng trên một đời sống phi đạo đức lại đưa xã hội đến băng hoại theo một cách khác.
Thứ hai, vận dụng giáo lý như một triết lý định hướng xây dựng mô hình phát triển bền vững, gợi mở một mô hình phát triển mới, phù hợp hướng phát triển mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc
Từ năm 1971, Butan đã loại bỏ chỉ số GDP để đo lường sự tiến bộ của nước mình và thay thế bằng chỉ số GNH, theo đó, đời sống tinh thần – thể chất, văn hóa – xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên – môi trường của quốc gia được đưa lên vị trí ưu tiên số một. Chính phủ Butan đánh giá hạnh phúc của con người không chỉ phụ thuộc vào các khía cạnh đời sống kinh tế mà còn dựa trên 4 tiêu chuẩn: môi trường trong sạch, phát triển bền vững, quản trị tốt, bảo tồn và phát huy văn hóa.
● Phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Butan tập trung vào y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội. Để giải quyết các nhu cầu của hiện tại và tương lai, Butan đưa ra tiêu chuẩn sống cao hơn và tiếp cận với tiện nghi hiện đại và công nghệ trên mọi khu vực của đất nước. Yếu tố quan trọng của sự tăng trưởng này là phát triển bình đẳng, để những lợi ích của phát triển đến được những người nghèo nhất và yếu thế nhất. Butan đã đạt được sự phát triển ấn tượng và cải thiện cuộc sống của nhiều người và điều này đã đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, công bằng hơn, và nhân đạo hơn.
● Bảo vệ môi trường: đã được ghi nhận trong Hiến pháp của quốc gia này là quyết tâm và cam kết duy trì ít nhất 60% diện tích cả nước có rừng che phủ. Hiện nay, 72% diện tích của Butan là rừng và hơn một phần ba nằm trong mạng lưới các khu bảo tồn. Bảo tồn hàng loạt mục tiêu hoặc hệ sinh thái lý tưởng bắt đầu bằng việc thiết lập một đường cơ sở và sau đó thực hiện mục tiêu đó. Nhiều người dân Butan khi được hỏi về lý do tại sao luôn có ý thức cao đối với môi trường thì đều có chung một đáp án là con người sống chung với thiên nhiên, đối xử với môi trường như thế nào thì sẽ được nhận lại như vậy.
● Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc riêng biệt, các giá trị văn hóa, các nghi lễ truyền thống… là tất cả các khía cạnh cuộc sống mà người dân Butan muốn gìn giữ, bảo tồn. Thách thức hiện nay đối với quốc gia này là khôi phục và duy trì những yếu tố đó thông qua việc bảo tồn văn hoá.
● Thúc đẩy quản trị tốt, thế giới đang theo dõi tiến trình dân chủ mới ở Butan, và những nỗ lực để thành công với quản trị tốt là một ưu tiên để đất nước này thể hiện với thế giới. Với nền dân chủ này, chính phủ phải phản ánh ý kiến của người dân, và người dân phải chủ động hơn trong việc tham gia đóng góp cho sự thay đổi.
Như vậy, để thực hiện chính sách phát triển của mình, Butan lấy người dân làm trung tâm, đồng thời luôn chú trọng giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm môi trường bền vững, người dân sống hạnh phúc. Butan triển khai được các chương trình kiềm chế và ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu này từ hơn một thập kỷ vừa qua. Trước khi Chính phủ phê duyệt bất cứ dự án nào thì vấn đề đặt ra luôn là tăng trưởng kinh tế phải bền vững, đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa, bảo đảm đa dạng sinh học.
Thứ ba, với triết lý GNH đã vượt tầm quốc gia khi cống hiến cho nhân loại ngày hạnh phúc thế giới 20/3 – một sứ mệnh hoằng pháp thiết thực trên tầm quốc tế
Với đề xuất của Bhutan tại LHQ năm 1972, một loạt các hội nghị, các diễn đàn quốc tế về GNH lan khắp thế giới, tác động đến tư duy chiến lược của các chính trị gia, các nhà học giả và đã dẫn đến hành động của LHQ. Đó là, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Nghị quyết chọn 20/3 làm ngày hạnh phúc thế giới nhằm gia tăng nhận thức về việc công nhận hạnh phúc là một trong những chỉ tiêu phát triển toàn cầu.
Do đó, trong cuộc họp phát động ngày hạnh phúc thế giới – khởi nguồn từ nhu cầu về cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế cân bằng, hợp tình hợp lý hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, xóa nghèo và phấn đấu vì sự hạnh phúc và thịnh vượng cho tất cả mọi người – cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhấn mạnh và đưa ra chuẩn mực chung nhất để đánh giá chỉ số hạnh phúc cho các quốc gia trên thế giới: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới mà ở đó các bên phải công nhận sự phát triển bền vững của cả ba trụ cột xã hội, kinh tế và môi trường trong lành. Các yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo ra khái niệm chỉ số chung về hạnh phúc toàn cầu.”[Ban Ki-moon, 2012] Như vậy, hạnh phúc được tạo nên bởi sự cân bằng chính sách của chính phủ, mà ở đó, các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường hài hòa với nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất. Khi người dân đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu về tinh thần thì sẽ sống và tạo dựng một xã hội hài hòa.
Cho nên, ngày quốc tế hạnh phúc 20/03 được LHQ quyết định chính thức khi tất cả 193 quốc gia thành viên nhất trí thông qua Nghị quyết A/RES/66/281 ngày 20/6/2012, để tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại trên thế giới; và với mục tiêu không chỉ là ngày mang ý nghĩa biểu tượng đơn thuần, mà còn là ngày hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho người người trên trái đất. Cho nên nhấn mạnh rằng việc theo đuổi hạnh phúc là mục tiêu cơ bản của con người, vì thế cần phải có cách tiếp cận toàn diện hơn, công bằng và cân đối với tăng trưởng kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, hướng đến hạnh phúc cũng như phúc lợi của tất cả các dân tộc.
4. Kết luận
Như vậy, trên điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội với nhấn tố tác động chủ lực là tư tưởng Phật giáo, quốc gia nhỏ bé Bhutan đã có tiếng nói riêng biệt sâu lắng, được xây dựng và phát triển theo một lối đi riêng. Một sức mạnh mềm thật sự hiệu quả trong dòng chảy phát triển sức mạnh quốc gia. Bhutan đã vận dụng sức mạnh mềm được phát huy thông qua những chính sách và ngoại giao nhà nước của chính phủ để tác động lên công chúng và các nhóm tinh hoa tạo môi trường thuận lợi cho phát triển các chính sách, xây dựng nền dân chủ mới, phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, chú trọng môi trường.
Một đất nước đậm chất văn hóa Tây Tạng đã hình thành nên nếp nghĩ phát triển quốc gia độc đáo, mang dấu ấn Phật giáo với tư tưởng tri túc, an trú hiện tại. Để rồi, trong dòng chảy phát triển ấy, Bhutan nhận ra được sự cần thiết cho các mối tương quan tương duyên, tương tức tương nhập giữa con người với mọi duyên liên quan để tồn tại, không những cho cuộc sống bây giờ mà còn đảm bảo cho thế hệ tương lai nên đã phát triển GNH thành triết lý đặc trưng hướng đến cuộc sống đích thực. Thiển nghĩ, với định hướng và tâm thế của nhà vua đã thật sự “hoằng pháp” đạt hiệu quả, đáp ứng được cả ba cấp độ hoằng pháp. Đồng thời, đây cũng là một định hướng gợi mở của ngành hoằng pháp góp phần phát triển kinh tế bền vững, giữ môi trường trong lành, bảo tồn và giữ gìn văn hóa trong thời hội nhập, Phật hóa xã hội nước nhà và xây dựng nếp sống văn minh.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Tất Lân (2014), “Hệ giá trị tổng hạnh phúc quốc gia Bhutan và đời sống quốc tế hiện nay”, Tạp chí Đối ngoại – Ban đối ngoại Trung ương, số 12(62), tr. 46.
2. Nguyễn Tất Lân (2015), “Vương quốc Bhutan và Hệ giá trị tổng hạnh phúc quốc gia”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 8 (33), tr. 32.
3. Nguyễn Tất Lân (2015), “Từ hệ giá trị tổng hạnh phúc Bhutan nghĩ về thành phố Đà Nẵng”, Tạp chí Phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng, số 66, tr. 64.
4. Bhutan Foundation, Bhutan believes in gross national happiness, http://www.bhutanfound.org/?p=151
5. Ban Ki-moon (2012), Secretary-General in Message to Meeting on ‘Happiness and Well-being’ Calls for ‘Rio+20’ Outcome that Measures More than Gross National Incomehttp://www.un.org/ press/en/2012/sgsm14204 .doc.htm
6. Dasho Karma Ura and Dorji Penjore (2009), Gross National Happiness: Practice and Measurement, The Centre for Bhutan Studies.
7. Dr. Saamdu Chetri, National Happiness An Alternative Paradigm to Sustainable Socio-economic Development,http://www.aquaac.org/dl/ 1nl3art3.html
8. Karma Ura and Karma Galay (2004),  Gross National Happiness and Development, The Centre for Bhutan Studies.
9. Karma Ura, An Introduction to GNH (gross national happiness)https://www.schumachercollege.org.uk/learning-resources/an-introduction-to-gnh-gross-national-happiness
10. Khenpo Phuntsok Tashi, The Role of Buddhism in Achieving Gross National Happiness, http://www.bhutanstudies.org.bt/ publicationFiles/Conference Proceedings/GNHandDevelopment/27. GNH&development.pdf

Bài mới đăng

Comments are closed.