Vu lan nhớ mẹ

Facebookmail

Cuộc sống là vô thường, Hoa đẹp rực rỡ rồi cũng sẽ phai tàn. Tuổi xuân rồi sẽ qua, tuổi già sẽ đến. Tiền tài, địa vị rồi cũng mất… Thế nhưng có một điều nằm ngoài quy luật ấy, đó là tình thương. Đặc biệt là tình yêu thương với đấng sinh thành. Tình yêu thương của cha mẹ với con cái và của con cái với cha mẹ là không bao giờ phai nhạt. Mỗi mùa Vu lan báo hiếu đến, mỗi chúng ta, ai ai cũng nghĩ về cha mẹ, những người chỉ biết sống, chỉ biết hy sinh cho con cái.

Hôm nay, trong không khí đầm ấm yêu thương này con muốn kể về mẹ. Mẹ của con, người mẹ hiền như đất mà vẫn vững vàng giữa chốn trần ai. Chiến tranh, đất nước chia hai miền. Anh trai mẹ tập kết ra Bắc, bà và mẹ bám trụ lại làng quê. Ngày cày cuốc, đêm ngóng tiếng gõ cửa của anh trai. Bà không đào hầm. Mỗi khi súng nổ, bà và mẹ nấp dưới bàn thờ Phật, miệng niệm tay lần tràng hạt. Rồi mẹ nên duyên với một anh lính ngụy, sinh con trong bom rơi đạn nổ. Mẹ là căn hầm vững chãi cho con. Hòa bình lập lại cả mươi năm vẫn đói rét, mẹ bươn chải với gánh cơm theo tàu để nuôi gần chục đứa con và cháu. Bậc tàu thì cao, gánh cơm thì nặng. Mẹ chân thấp chân cao, mắt trước mắt sau để còn biết chừng ga tàu mà lên mà xuống. Nguyên tắc của mẹ là chỉ thêm chứ không bớt, nếu đĩa cơm nào xới đầy hơn là khách may mắn, không bao giờ mẹ sớt lại bởi cho rằng việc đó mang tội. Gặp khách nghèo, chỉ mua cơm với rau thì mẹ cũng thêm vài miếng đậu khuôn hay lát trứng chiên. Giờ trở về nhà của mẹ là giờ khách đi tàu đã ngủ. Tiếng chân mẹ vang lên trong đêm khuya trong cái xóm nhỏ vắng vẻ ngay sau ga Huế.

Mẹ chỉ ngủ được vài tiếng bởi phải dậy sớm để đi chợ, chuẩn bị cho chuyến tàu kiếm gạo nuôi con và tích cóp ngày vài đồng để một năm đôi lần thăm chồng đi học tập mãi tận miền Nam. Ngày Tết mẹ còn vất vả hơn, lo việc cúng giỗ ông bà, quần áo mới cho đàn con cháu và gánh cơm càng nặng bởi vì lúc ấy thiên hạ vui chơi với túi tiền rủng rỉnh hơn. Con lấy chồng xa, mẹ lại khăn gói mỗi lúc con sinh đẻ. Mẹ là đầu tàu kéo cả gia đình vượt qua loạn lạc, đói lạnh. Cứ vậy, cho đến khi căn bệnh quái ác kéo mẹ đi. Mãi sau này nghĩ lại con mới thấy mẹ hay niệm Phật nhưng chưa bao giờ mẹ đến chùa. Mẹ không có thời gian để đến chùa. Thế hệ của mẹ là vậy. Hàng triệu bà mẹ cùng thời với mẹ là vậy. Là những thân phận nằm trong chiếc cối chiến tranh và thời cuộc oán ân. Tất cả đều khổ đau vì chồng con đứng trước mũi súng, vì ly tán, vì miếng cơm manh áo của gia đình.

Cuộc sống đã đi lên, thành phố Đà Nẵng được gọi là thành phố đáng sống của cả nước. Nhiều ngôi chùa lón, độc đáo trở thành điểm đến của phật tử và du khách thập phương. Mỗi khi đến chùa con lại nhớ mẹ. Cài đóa hoa hồng trắng lên ngực, con lại nghe tiếng bước chân giữa đêm khuya thanh vắng. Con tin rằng, nếu còn thượng tại, mẹ sẽ là người chăm chỉ đến chùa nhất. Mẹ sẽ là đầu tàu đưa đàn con cháu đi trên con đường từ bỉ hỉ xả.

Đạo Phật lấy hiếu làm hạnh lành đứng đầu muôn hạnh, còn theo văn hóa Việt, tâm hiếu thảo là di sản tâm linh trân quý. Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những lễ rất quan trọng của đạo Phật. Báo hiếu với cha mẹ, ông bà tổ tiên, không chỉ ở kiếp này mà là nhiều kiếp khác. Con rất tâm đắc với câu nói: cách báo hiếu tốt nhất với người đã chết là sống hết lòng với người đang sống. Chúng ta có đầy đủ vật chất nhưng không phải hết lo âu vì bệnh tật, vì những hệ lụy của cuộc sống hiện đại với con cháu… Nhiều nơi đồng bào ta còn thiếu cái ăn cái mặc. Trẻ em vùng núi thiếu sách vở, áo mới mỗi kỳ tựu trường. Giáp hạt, thiên tai là rất nhiều nhà đứt bữa. Nơi biên cương, hải đảo biết bao chiến sĩ đang ngày đêm thầm lặng trước đầu sóng ngọn gió để bảo vệ đất nước. Chúng ta hãy báo hiếu với cách tốt nhất. Thượng cúng dường, hạ bố thí. Như vậy không chỉ báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên mà chính chúng ta cũng có cuộc sống an lạc.

                                                                                                Nguyễn Minh Sơn

 

 

Bài mới đăng

Comments are closed.