Sau lễ khai mạc Khóa Tập huấn, ngày 17/12/2023, Ban Tổ chức cung thỉnh TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng ban Phật giáo quốc tế trình bày chuyên đề “Giới thiệu những thành tựu Phật sự và các chương trình hoạt động Phật sự trọng yếu của GHPGVN trong thời gian tới” vào lúc 9 giờ 30 phút.
Thượng toạ nêu rõ: “Năm 2023 là một năm hết sức quan trọng, chúng ta triển khai các mục tiêu và chương trình hoạt động Phật sự lớn. Vì vậy, các Ban, Viện, Ban Trị sự đã bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu mà Đại hội IX đề ra ngay từ những ngày đầu của nhiệm kì, từ những ngày đầu của năm 2023. Do đó, trong các chương trình, mục tiêu Phật sự của Đại hội IX vừa qua, chúng ta tập trung vào 12 mục tiêu lớn mà Giáo hội – trên cơ sở kế thừa những kết quả, những thành tựu Phật sự hết sức đáng trân trọng trong quá trình hơn 40 năm hình thành phát triển, để định hướng cho những hoạt động Phật sự của nhiệm kì IX (2022 – 2027) và những mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự này có tầm nhìn xa hơn cho những nhiệm kì tiếp theo.”
Tiếp đến Thượng toạ nhấn mạnh: “Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo Pháp của đức Phật vào mọi mặt đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử. Hướng dẫn các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội. Đây là hoạt động Phật sự hết sức quan trọng, thường xuyên liên tục, trọng tâm trọng yếu của mỗi Tăng Ni, Phật tử. Cần đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo Pháp của đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử, hướng dẫn các pháp môn tu tập của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại và mọi tầng lớp nhân dân; chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân dân. Tuy nhiên, cần chú trọng đổi mới phương pháp để phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Cần phân ra các đối tượng, dựa trên giáo lý của chúng ta là khế lý khế cơ, dựa vào căn cơ của các đối tượng khác nhau mà chúng ta có những phương pháp hoằng Pháp với những nội dung khác nhau trong một thời Pháp, thì mới đem lại hiệu quả, tăng trưởng niềm tin cho đồng bào Phật tử và xã hội.”
Sau đó, Ban Tổ chức cung thỉnh HT. Thích Huệ Thông – Phó Chủ tịch, Trưởng ban Pháp chế TƯ trình bày chuyên đề “Giới thiệu Hiến chương tu chỉnh lần thứ VII”. Hoà thượng đã triển khai Hiến chương được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX thông qua, bao gồm 14 chương, lời nói đầu và 87 điều, phổ biến chi tiết những nội dung, các điều khoản được điều chỉnh bổ sung trong Hiến chương được tu chỉnh lần thứ VII. Điểm mới của Hiến chương lần này là có một chương dành riêng cho quy định về Giáo hội cấp cơ sở và quy định cụ thể về tài sản của tổ chức Tôn giáo trực thuộc Giáo hội, tài sản của Tăng Ni.
Hoà thượng nhấn mạnh, “Việc sửa đổi Hiến chương nhằm hoàn thiện theo hướng phù hợp với Hiến pháp, các luật hiện hành như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các quy định khác nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu đang vận dụng những thành tựu của khoa học công nghệ, người tu hành nói chung và các chức sắc, chức việc nói riêng phải nắm được phần nào những thành tựu đó để tận dụng vào quá trình quản lý và tu tập; trong đó vị trụ trì không chỉ đóng khung trong phạm vi hoạt động tiếp Tăng độ chúng của ngôi chùa, mà còn phải thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng trong lãnh vực giáo dục, đóng góp trong mọi công tác thiện nguyện của xã hội, phải nhập thế, tu thân, hướng thiện, an lạc trong chánh Pháp.”
Vào đầu giờ chiều, Ban Tổ chức cung thỉnh HT. Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch HĐTS, Phó ban Tăng sự TƯ trình bày chuyên đề “Giới thiệu quy chế Ban Tăng sự Trung ương”. Sau khi giới thiệu tổng quan về Quy chế gồm 15 chương với 85 điều, Hòa thượng đã triển khai, nhấn mạnh về chức năng, nhiệm vụ của Ban Tăng sự TƯ. Trong đó, chức năng giám sát, hướng dẫn các tự viện, Tăng Ni tuân thủ Giới luật, chấp hành Hiến chương Giáo hội, các quy chế của Giáo hội và quy chế Ban Tăng sự TƯ (điều 5). Hòa thượng cũng trình bày quy định về việc sử dụng không gian mạng của Tăng Ni (điều 81). Hòa thượng hướng dẫn những chương điều liên quan tới tư cách của Tăng Ni trong việc tấn phong Giáo phẩm, tham gia vào các chức vụ trong Giáo hội; tiêu chuẩn của người được tiếp Tăng độ chúng; tư các làm Giới sư truyền giới. Hòa thượng cũng nhắc lại một số nguyên tắc khi tổ chức Khóa An cư kiết hạ, vai trò của chư Tôn đức đảm trách từng cương vị trong Hạ trường. Trách nhiệm của vị Trụ trì, Trưởng ban Quản trị nơi các tự viện.
Tiếp đó, cung thỉnh TT. Thích Minh Nhẫn – UV Thư ký HĐTS, Phó Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký BHP TƯ GHPGVN trình bày chuyên đề “Chuyển đổi số công tác hoằng pháp trong Cách mạng công nghiệp 4.0”. Thượng toạ nhấn mạnh, trong thời đại chuyển đổi số, chúng tôi suy nghĩ về một số gợi mở sau: “Thứ nhất, vị giảng sư cần có tầm nhìn, nghĩa là họ cần một cái nhìn thấu suốt về giáo lý của Đạo Phật. Thứ hai, đào tạo kỹ năng hoằng Pháp cho giảng sư, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Thứ ba, ứng dụng các thành tựu công nghệ số vào hoằng Pháp để trở thành phương thức hoằng Pháp mới. Thứ tư, truyền thông về hình ảnh của chư Tăng, Ni trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thứ năm, tập huấn và đào tạo về ý thức sử dụng không gian mạng. Thứ sáu, khuyến khích cư sĩ sử dụng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong các công việc Phật sự, số hóa các đầu sách, tài liệu, nhất là đối với công tác lưu trữ các tài liệu, tư liệu cổ về Phật Pháp. Thứ bảy, xem hoằng Pháp trực tuyến là một bộ phận của Phật sự hoằng Pháp chứ không thay thế hoàn toàn phương thức hoằng Pháp truyền thống.”
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận được:
Tin, ảnh: Ban TT-TT PG Đà Nẵng