Những ngày qua, Tăng Ni và Phật tử Phật giáo tỉnh Đắk Lắk rất bức xúc với bài phỏng vấn được đăng trên tờ báo điện tử zing.vn giữa nhà báo Hoài Thanh với ông Dương Ngọc Dũng, được cho là tiến sĩ Tôn giáo học, Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
TỈNH ĐẮK LẮK |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc Đắk Lắk, ngày 24 tháng 10 năm 2019 |
THƯ KIẾN NGHỊ
Kính gửi: Uỷ Ban Trung ương MTTQVN;
- Ban Tôn giáo Chính phủ nước CHXHCNVN;
- Ban Tuyên giáo Trung ương nước CHXHCNVN;
- Bộ Thông tin Truyền thông nước CHXHCNVN;
- Bộ Công an nước CHXHCNVN;
- Bộ Gíao dục và Đào tạo nước CHXHCNVN;
- Hội Đồng Trị sự GHPGVN;
- Trường Đại học Quốc gia TP.HCM;
- Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.
Kính thưa quý cấp lãnh đạo Bộ, Ban, Ngành Trung ương!
Những ngày qua, Tăng Ni và Phật tử Phật giáo tỉnh Đắk Lắk rất bức xúc với bài phỏng vấn được đăng trên tờ báo điện tử zing.vn giữa nhà báo Hoài Thanh với ông Dương Ngọc Dũng, được cho là tiến sĩ Tôn giáo học, Trưởng bộ môn Kinh tế quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Những phát ngôn của ông tiến sĩ Dũng mà tờ báo đăng tải là sai sự thật, có hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của Tăng, Ni chân chính, làm tổn hại đến uy tín của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Điều đó đã gây bức xúc rất lớn không chỉ cho toàn thể Tăng, Ni, Phật tử trong cả nước nói chung và Tăng, Ni, Phật tử Đắk Lắk chúng tôi nói riêng, làm ảnh hưởng đến sự sinh hoạt, tu tập cũng như tín tâm của người Phật tử, gây hoang mang dư luận và nhận thức sai lạc của quần chúng. Tất cả những phát ngôn sai trái của bài báo đã tiếp tay cho các tờ báo khác tiếp tục đăng tải khiến nhiều người chỉ dựa vào đó mà tin theo, dẫn đến có những bình luận, phê bình, nói xấu, chỉ trích đầy ác ý, cay độc, tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Phật giáo.
Cụ thể, ngày 12/10/2019, báo zing.vn đã đăng tải bài báo với tựa đề: ‘Đi tu mà có 300 tỷ là trái Luật Phật giáo, không biện luận được’,tại link: https://news.zing.vn/di-tu-ma-co-300-ty-la-trai-luat-phat-giao-khong-bien-luan-duoc-post1000413.html. Tuy nhiên, trong bài báo lại không nói nhiều đến sai phạm của một cá nhân đã được Giáo hội xử lý thích đáng và bản thân vị đó đã hoàn tục. Nhưng trọng tâm của bài báo lại nhắm đến chư Tôn đức Tăng, Ni nói chung với những lời nói khiếm nhã, miệt thị, bóp méo sự thật, đầy ác ý nhằm phá hoại niềm tin của người Phật tử và quần chúng mến mộ đạo Phật mà rất nhiều bài viết của Chư Tôn đức Tăng Ni, quý vị Cư sĩ Phật tử đã nhiệt tâm viết bài chỉ ra.
Cụ thể, ông Dũng nói: “Người không có công ăn việc làm, mồ côi hoặc nghèo nên cha mẹ gửi vào Chùa. Từ chuyện đáng lẽ chết đói đi ăn xin ngoài đường thì đột nhiên vào Chùa có sư nuôi rồi được thiên hạ đến cúng. Mới hôm qua người ta gọi mình bằng “thằng”, nay chỉ cần cạo đầu, mặc bộ đồ lam tự nhiên được gọi bằng “thầy”, có chỗ ở, được cho đi học, đi tới đâu người ta kính nể tới đó thì hỏi có thích không? Họ chỉ mượn bóng cửa thiền để trải qua cuộc sống một cách dễ chịu thay vì phải tự mình đi lao động ở ngoài”.
Chính ông Dũng và nhà báo Hoài Thanh đã quy kết cho việc đi tu là một cái nghề: “Có rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống. Ví dụ, người ta đi làm bác sĩ còn tôi đi tu. Sư Toàn là trường hợp cụ thể nhất cho điều này. Bản thân đi tu nhưng không phải vì có tâm nguyện hướng về Phật, tu tâm dưỡng tánh hay theo đuổi chân lý của Phật pháp mà đi tu là để tìm kiếm một cái nghề mưu sinh. Nếu so sánh trường hợp của sư Thích Thanh Toàn với sư Thích Trúc Thái Minh của chùa Ba Vàng, chúng ta sẽ thấy hai con đường của hai sư này ngược nhau nhưng lại có điểm chung”.
Những phát ngôn quy kết như vậy là bôi nhọ, nói xấu, vu khống, hoàn toàn sai sự thật, bởi lẽ, chưa có một thống kê, nghiên cứu nào chỉ ra rằng đi tu là một cái nghề, mà cũng chưa thấy ai đi tu chỉ với mục đích đó. Ngay cả khi cho rằng sư thầy Thích Trúc Thái Minh chùa Ba Vàng và cả sư Thích Thanh Toàn đi tu để kiếm tiền hay là kiếm một cái nghề như ông tiến sĩ và nhà báo quy kết là cũng hoàn toàn vu khống, bôi nhọ, không đúng sự thật. Thế nên, sau khi bài báo đăng tải, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã lên tiếng phản đối và khẳng định điều đó là hoàn toàn sai. Có thể Đại đức Thái Minh kiếm tiền chưa chân chính thì cũng đã được tổ chức Giáo hội xử lý thích đáng rồi.
Đến ngay như cái tựa đề bài báo nói rằng “Đi tu mà có 300 tỷ là trái luật Phật giáo, không biện luận được” cũng là không đúng, bởi lẽ, nếu một cá nhân đi tu có 300 tỷ cũng chưa phải là đại diện cho toàn thể người tu, mà trường hợp đó cũng chưa có kiểm chứng, lấy gì để kết luận?
Tuy nhiên, không có Luật nào nói công dân có 300 tỷ là sai. Ngay cả trong Phật giáo Nguyên thủy cũng đã đề cập đến danh từ “Labasima” nghĩa là người tu hành hoạt động chân chính để phát triển ngôi Chùa, làm lớn mạnh Phật pháp là điều hợp lý, không có gì sai trái.
Rồi ông tiến sĩ Dũng lại kết luận rằng, nền tảng Phật giáo đã bị lung lay từ lâu lại là một quy kết đầy cảm tính, xuyên tạc và nói xấu nhằm hướng dư luận theo một chiều hướng sai lệch. Có lẽ ông chỉ nhìn nghe đâu đó vài sự việc nho nhỏ xảy ra rồi kết luận Phật giáo bị lung lay là một điều sai lạc, hù dọa, đánh lạc hướng, gây hoang mang, gây bức xúc, xúi dục quần chúng và Phật tử sơ cơ bỏ đạo.
Ngoài bài báo đó ra, ông tiến sĩ Dương Ngọc Dũng còn liên tiếp đứng trên bục giảng (ở phòng học hay ở đâu đó chưa xác minh được) để giảng dạy cho sinh viên lại tiếp tục nói xấu, bôi nhọ Phật giáo và Chư Tôn đức trưởng thượng không chỉ riêng GHPGVN mà cả lãnh đạo Phật giáo thế giới để làm trò hề bỡn cợt, mua vui cho sinh viên. Link:https://m.facebook.com/watch/?v=908200229551780&_rdr.
Thử hỏi, với một người tiến sĩ, giảng dạy Tôn giáo học và là Trưởng bộ môn Kinh tế Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, một Trường Đại học lớn và uy tín hàng đầu ở Việt Nam lại đi phát ngôn thiếu hiểu biết, thiếu thận trọng, có hành vi vu khống, nói xấu, bôi nhọ, diễu cợt Chư Tôn đức Tăng Ni, không chỉ trên báo chí mà cả trang mạng facebook, youtube, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Phật giáo như thế thì có được chấp nhận không?
Để có cơ sở pháp lý về những vi phạm nghiêm trọng này, chúng tôi xin dẫn ra đây các quy định của Pháp luật như sau:
1/Bộ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo: chương I Điều 5 khoản 3, xúc phạm Tín ngưỡng, Tôn giáo.
2/ Bộ Luật Dân sự 2015 “Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín trong BLDS năm 2015”:
Để đảm bảo quyền này được thực hiện trên thực tế, pháp luật Việt Nam đã sớm có quy định về quyền này. Hiến pháp năm 1980 đã quy định: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, tài sản, danh dự và nhân phẩm”(Điều 70). Đến Hiến pháp năm 1992 lại tiếp tục ghi nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân tại Điều 71 “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm”. Tiếp đến, Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Như vậy quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền hiến định.
Trước đây, Bộ luật Dân sự năm 2005 chỉ quy định ngắn gọn về quyền này tại Điều 37 như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
+ Đến Bộ luật Dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín tại Điều 34 cụ thể như sau:
Khoản 1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Khoản 2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
Khoản 3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
Khoản 5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Nguồn dẫn: https://kiemsat.vn/quyen-duoc-bao-ve-danh-du-nhan-pham-uy-tin-trong-blds-nam-2015-45992.html
3/ Bộ Luật Hình sự 2015. Tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
Nguồn dẫn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-hinh-su-2015-296661.aspx
Không chỉ thế, nghiêm trọng hơn cách hành xử và phát ngôn đó của ông Dũng đã và đang chà đạp một cách nghiêm trọng đến niềm tin thiêng liêng đối với những tín đồ của một tôn giáo, mà đó là một điều tối kị của mỗi quốc gia.
Sự thật thì tổ chức nào cũng có những cá nhân không tuân theo tổ chức đó, có những hành vi sai trái, phạm luật, nhưng không thể dựa vào một vài cá nhân mà nâng thành toàn thể rồi cho rằng nền tảng Phật giáo đã bị lung lay. Nền tảng Phật giáo đâu phải là thiểu số cá nhân phạm giới. Ông tiến sĩ kia có thể phê phán sư Thanh Toàn, nhưng không thể vì thế mà quy kết nền tảng Phật giáo không vững, lung lay. Nền tảng của Phật giáo dựa trên giáo lý của Đức Phật, sự thực hành của Tăng Ni, Phật tử, chứ không phải chỉ dựa vào một vài cá nhân sai phạm. Sự quy kết của ông tiến sĩ là thiếu cơ sở, chủ quan, hồ đồ, và rất có thể phục vụ cho một mục đích bất minh nào khác?
Hầu hết người xuất gia là vì lý tưởng. Một số ít đi tu với mục đích khác, như được ăn mặc, được danh tiếng. Nhưng đó chỉ là thiểu số và đã xuất hiện ngay từ thời Đức Phật. Nhưng rồi những người này trụ lại trong Phật pháp không lâu, vì “biển cả không dung chứa tử thi”- như cổ nhân đã nói.
Người Phật tử hay người dân không mù quáng đến nỗi không phân biệt được đâu là bậc chân tu, đâu là tu sĩ giả danh. Thế nên, không có chuyện một người hôm qua ăn xin, hôm nay khoác y vào là được trọng vọng – ngoại trừ vị đó thành tựu giới đức trong thời gian cực ngắn – như ngài Ưu Ba li và Ương Quật Ma La thời Đức Phật.
Như vậy, ông tiến sĩ quá chủ quan hay cố tình không hiểu biết? Việc một tiến sĩ phát ngôn thiếu chứng cứ, lý luận chủ quan, hồ đồ, bỡn cợt, nhất là đối với một Tôn giáo lớn, là điều hết sức thiển cận, nếu không muốn nói là thiếu văn hóa. Những thế hệ học trò của vị tiến sĩ đang giảng dạy trong một trường Đại học uy tín của quốc gia nghĩ gì về người thầy của mình, học được gì từ người thầy của mình? Liệu ông có xứng đáng là một nhà giáo dục?
Hậu quả của việc phát ngôn thiếu cân nhắc không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân ông, mà còn ảnh hưởng đến các thế hệ học trò, và cả nền giáo dục và văn hóa Việt Nam – một sự ảnh hưởng tiêu cực. Cho nên, đề nghị Bộ Giáo dục, Trường Đại học nơi ông công tác xem xét lại tư cách giảng viên, tư cách đạo đức cũng như động cơ, mục đích nào đằng sau những phát ngôn tùy tiện, hồ đồ ấy!
Chúng ta là những công dân đang sống trong một nhà nước Pháp quyền, mọi công dân, cá nhân, tổ chức đều phải tuân thủ Pháp luật. Việc một cá nhân có học thức, trình độ cao, lại là một tiến sĩ giảng dạy Tôn giáo học, Trưởng bộ môn Kinh tế Quốc tế, khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV, một Trường Đại học hàng đầu của Việt Nam và đang trên đà phát triển thành một Đại học danh tiếng châu Á và thế giới lại càng không thể có những phát ngôn bừa bãi, thiếu chuẩn xác, sai trái, bịa đặt, cảm tính, vu khống, nói xấu, làm trò hề Chư Tôn Đức Tăng Ni của một tôn giáo lớn, uy tín, lâu đời ở Việt nam, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của tất cả các Tăng Ni đang tu hành chân chính dưới sự quản lý của ngôi nhà GHPGVN, làm tổn thương nghiêm trọng đến tín tâm thiêng liêng của toàn thể Phật tử, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo, là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải có biện pháp xử lý theo Pháp luật kịp thời, tránh để xảy ra những vấn đề mâu thuẫn nghiêm trọng hơn về mặt bình ổn trong đời sống tín đồ Phật giáo.
Kính mong quý cơ quan chức năng soi xét và yêu cầu tờ báo cũng như cá nhân liên đới phải cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại cho Tăng, Ni và Phật tử cả nước nói chung, Phật giáo tỉnh Đắk Lắk chúng tôi nói riêng.
Thành kính tri ân./.
Nơi nhận: – Như trên; – Uỷ ban MTTQVN tỉnh Đắk Lắk; – Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) tỉnh Đắk Lắk; – Phòng PA 02 công an tỉnh Đắk Lắk; “Để biết ”; -Lưu VP-BTS. |
TM. BAN THƯỜNG TRỰC
KT. TRƯỞNG BAN PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC |