Huyền thoại âm nhạc Tina Turner: “Phật pháp cứu vớt cuộc đời tôi”

Facebookmail

Vào cuối năm nay, ở tuổi 80, nữ danh ca người Mỹ gốc Phi Tina Turner, sẽ xuất bản quyển sách với nhan đề Happiness Becomes You: A Guide to Changing Your Life for Good (tạm dịch: Hạnh phúc của chính mình: Thay đổi cho cuộc sống tươi đẹp).

Quyển sách là lời tự sự của nữ ca sĩ nhạc rock lừng danh thập niên 60, người từng đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín và là thần tượng của hàng triệu người yêu nhạc khắp nơi trên thế giới, xoay quanh nhân duyên của bà với Phật giáo cũng như chia sẻ những trải nghiệm, sự thay đổi nhận thức, quan điểm sống và giải thoát khổ đau từ việc tu học theo giáo lý của Đức Phật.

Tổng thống George W. Bush chúc mừng ca sĩ Tina Turner và các nghệ sĩ được Trung tâm Kennedy vinh danh tại Nhà Trắng (Hoa Kỳ) vào năm 2005

Được viết bằng chất liệu thực hành của chính bản thân, thông qua quyển sách này, nữ ca sĩ mong muốn lan tỏa thông điệp hạnh phúc, cách kiến tạo hạnh phúc trên nền tảng đạo đức và chuyển hóa khổ đau của Phật giáo.

“Mỗi quyển sách viết ra, tôi chia sẻ những khía cạnh trong cuộc sống của chính mình; trong đó có hy vọng, hạnh phúc và đức tin. Trên tất cả, Phật pháp là triết lý sống dẫn đường cứu vớt cuộc đời tôi. Qua trang sách, tôi ghi lại những nguyên tắc sống đơn giản mang đến sự hài lòng và an lạc trong cuộc đời mình – những điều vượt lên trên ‘mọi giấc mơ hoang dại nhất’, có thể giúp bạn nhận diện được giấc mơ đích thực của bản thân.

Tuệ giác Phật giáo đã giúp tôi biến điều không thể trở thành có thể, giúp tôi thay đổi cuộc đời mình. Mỗi trang sách là lời nói từ trái tim, không ngoài ước muốn rằng mọi người chúng ta ai cũng có được hạnh phúc thực sự ngay trong cuộc sống hiện tại”, Tina Turner bày tỏ.

Sinh năm 1939 tại Brownsville (bang Tennessee, Hoa Kỳ), sau nhiều thăng trầm và biến cố của cuộc đời, nữ danh ca Tina Turner bắt đầu tìm đến sự thực hành Phật giáo vào năm 1973. “Kinh Pháp hoa đã giúp tôi vượt qua những giai đoạn bế tắc nhất trong cuộc đời mình. Tôi xem mình là một Phật tử. Điều ấy hiện hữu trong tôi…”, bà trải lòng trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Lion’s Roar năm 2016.

Quyển sách của ca sĩ Tina Turner với chất liệu từ sự thực hành Phật pháp gần 50 năm.

Bà cũng nói về sự tương đồng giữa đọc tụng kinh Phật và thể hiện âm nhạc: “Diệu pháp Liên hoa kinh như một bài hát. Thanh âm và giai điệu của kinh đi vào trái tim và bạn có thể chạm vào dòng tâm thức của mình – nơi sâu thẳm nhất trong mỗi con người”.

Sự thực hành Phật pháp còn được thể hiện khá đậm nét trong sản phẩm âm nhạc của bà. Sau khi tiếp kiến Đức Dalai Lama tại Thụy Sĩ vào năm 2005, dự án âm nhạc “Beyond” được gợi cảm hứng và phát hành ra công chúng năm 2009. Tác phẩm đặc biệt này có sự góp mặt của hai ca sĩ được yêu thích Regula Curti (Thụy Sĩ) và Dechen Shak-Dagsay (Nepal); gồm các bản soundtrack kinh tụng Phật giáo và hợp xướng âm nhạc trong sinh hoạt nghi lễ của các tôn giáo khác – nhấn mạnh thông điệp đối thoại liên tôn giáo và hòa bình thế giới. Album này còn quy tụ nhiều ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới như ca sĩ Hindu giáo Sawani Shende-Sathaye (Ấn Độ) và nữ tu sĩ Phật giáo Ani Choying Drolma (Nepal).

Là người thành công trong sự nghiệp âm nhạc, Tina Turner lại gặp nhiều sóng gió và bất hạnh trong đời sống hôn nhân. “Tôi chưa bao giờ tách biệt sự thực hành tâm linh ra khỏi đời sống của một ca sĩ nhạc rock. Trong những thời điểm khủng hoảng nhất cuộc đời mình, hành trì kinh Pháp hoa giúp cuộc sống của tôi dần thoát khỏi bế tắc và ngày một tốt đẹp hơn. Tôi trở thành một ca sĩ, một con người hữu ích – tất cả nhờ vào sự thực hành tâm linh…”, giọng ca diva chia sẻ với World Tribune.

60 năm hoạt động âm nhạc, bà sở hữu 12 giải thưởng Grammy – trong đó có giải Thành tựu trọn đời. Tina Turner được Tạp chí Rolling Stone (New York) bình chọn 100 ca sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Với nguồn năng lượng tích cực và dồi dào, bà từng tổ chức lưu diễn tại 17 thành phố ở Hoa Kỳ và Canada vào năm 2008, khi ở tuổi 68.

Trần Trọng Hiếu/Báo Giác Ngộ
(theo The Buddhist Door, Lion’s Roar)

nguồn: Báo Giác Ngộ

Bài mới đăng

Comments are closed.