Việt Nam Phong tục của tác giả Phan Kế Bính được viết và giới thiệu trên báo chí vào khoảng năm 1914, cách đây đã hơn 100 năm, với những hạn chế nhất định của cá nhân cũng như thời đại.
Tuy nhiên, sách này vẫn được tiếp tục in ấn và phát hành, mới đây cũng đã được giới thiệu qua một ấn phẩm đẹp do nhà xuất bản Kim Đồng cấp phép tái bản. Đã từ lâu, trên các ấn phẩm tuần báo và nguyệt san Giác Ngộ, các học giả đã phê bình, biện chính về các tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân tộc, trong đó có Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính. Giác Ngộ online trích một phần biện chính của nhà nghiên cứu Đào Nguyên, giới thiệu để bạn đọc tham khảo. (Giác Ngộ online)
Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính tái bản nhiều lần – Ảnh: Zing.vn
Trong Việt Nam phong tục (VNPT), Phan Kế Bính (PKB, 1875-1921) đã dành hơn 12 trang để viết về Nho giáo, Phật giáo và Lão Tử giáo (VNPT, NXB.TP.HCM, 1999, tr.164-175). Đây là những trang viết được xem là đầu tiên thuộc mảng Nghiên cứu của văn học chữ quốc ngữ, viết về ba học thuyết lớn của phương Đông, đã có ảnh hưởng lớn đối với văn hóa Việt Nam (Phật giáo lược khảo của Phạm Quỳnh viết năm 1920, Khổng giáo luận của Phạm Quỳnh viết năm 1921, bộ Nho giáo của Trần Trọng Kim ra đời vào năm 1930…). Trước khi đi vào phần viết về Phật giáo (sđd, tr.168-173), chúng tôi xin mở ngoặc để nói qua về nhan đề và một số điểm có liên quan tới Phật giáo nơi nội dung của sách.
Ông PKB đã không ghi tài liệu tham khảo (có thể hồi đó chưa quan tâm tới vấn đề ấy?) và trong quá trình biên soạn để giới thiệu, mô tả các tập tục xa gần, việc nêu dẫn tài liệu tham khảo hầu như rất ít, và nhất là quá sơ sài. Như vậy, cộng với phần điều tra, tiếp cận thực địa mà tác giả gọi là “những sự mắt trông thấy, tai nghe tiếng” (sđd, tr.8) tất cả đã đủ tính khái quát để có thể gọi là phong tục của cả nước chưa? Chúng tôi e rằng chưa. Bởi vì chỉ cần đọc qua các phần có liên quan tới Phật giáo cũng đủ thấy rõ điều đó.
Các phần có liên quan tới Phật giáo gồm:
– Mục Thuật kiêng giữ, thuộc phần Cha mẹ với con (tr.11).
– Mục Nghi trượng đi đường, thuộc phần Tang ma (tr.27).
– Mục Chung thất, đốt mã, cũng thuộc phần Tang ma (tr.28, 29).
– Mục Tết Trung Nguyên, thuộc phần Tứ thời tiết lập (tr.39).
– Phần Cầu tự (tr.56, 57).
– Phần Lễ kỳ an (tr.84, 85, 86).
– Phần Chùa chiền (tr.86, 87, 88, 89).
– Phần Kỵ hậu (tr.93).
– Phần Am chúng sinh (tr.95).
– Phần Hội Chư Bà (tr.143, 144).
Chúng tôi xin nêu mấy ghi nhận:
1. Vấn đề Tài liệu tham khảo
Ông PKB đã không hề nêu dẫn tài liệu tham khảo (phần viết về Phật giáo ở sau cũng thế) và chỉ bằng lòng với lối mô tả, giải thích theo kiểu “tương truyền”, “tục truyền”, “bảo rằng”, “kể rằng” v.v… Xin nói ngay, đấy không phải là lối nghiên cứu, biên khảo đúng nghĩa và đúng đắn, nhất là khi tìm hiểu về các học thuyết, các tôn giáo lớn, ví như Phật giáo, một tôn giáo không chỉ có mặt, có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nước thuộc châu Á. Và vào thời điểm ông PKB sinh ra và trưởng thành, Phật giáo cũng đã bước đầu có ảnh hưởng đáng kể đối với châu Âu (tác phẩm The Light of Asia – Ánh sáng Á châu – của S.Edwin Arnold, 1832-1904, ra đời năm 1879. Tác phẩm Phật sở hành tán của Bồ-tát Mã Minh được dịch sang tiếng Anh và xuất bản năm 1894 với nhan đề The Buddha Carita of Asvaghosa…). Ở đây, đáng lẽ ông PKB nên bày tỏ mọi sự khiêm tốn vốn thường có nơi một nhà Nghiên cứu biết người biết ta, vì:
– Hạn chế về Tư liệu tham khảo. Hồi đó, sách vở về Phật học chắc chắn là ít. Sách tiếng Việt (chữ quốc ngữ) hầu như chưa có. Chỉ có sách chữ Hán và chữ Pháp. Mà cũng phải biết phân biệt về giá trị của tài liệu.
– Hạn chế về khả năng nhận thức của bản thân. Đậu Cử nhân trong kỳ thi hương 1906, thuộc loại khoa thi áp chót của Hán học ở Việt Nam, chắc chắn là sự hiểu biết về Phật học và Phật học Việt Nam của ông PKB không nhiều.
– Hạn chế về khả năng tiếp cận thực địa. Giao thông chưa mở rộng, phương tiện đi lại còn khó khăn, chắc hẳn là ông PKB không thể đi khắp ba miền để điều tra thực địa, tiếp xúc với các nhân vật tiêu biểu.
– Hạn chế vì đối tượng nghiên cứu quá bao quát. Phật giáo gồm cả Bắc tông và Nam tông với nhiều Bộ phái. Kinh điển của Phật giáo, chỉ xét riêng về Hán Tạng của Phật giáo Bắc truyền, cũng rất là nhiều… Rồi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, quá trình bản địa hóa cũng hết sức phong phú, kỳ diệu, chắc chắn vào thời ấy, ông PKB không đủ tư liệu và hiểu biết để thâu tóm và lý giải. Nhưng ông PKB đã không hề biết khiêm tốn. Trước sau, ông vẫn tỏ ra rất tự mãn với những kiến giải của mình về Phật học, về Phật giáo Việt Nam.
Trang 39, mục Tết Trung Nguyên, ông PKB viết:
“Ta tin theo sách Phật…”. Viết như vậy là đúng và người Phật tử, người học Phật biết hai chữ “sách Phật” kia là chỉ cho kinh Phật, là hai bản kinh ngắn liên hệ tới Đại lễ Vu lan và lễ cúng cô hồn. Nhưng về cách giải thích của ông PKB, rõ ràng là chỉ theo kiểu “nghe nói” chứ không phải là kết quả của một sự tìm hiểu đích thực (sẽ thấy rõ hơn nơi phần sau).
Chính vì không nêu dẫn tư liệu, nên nhiều chỗ, cách giải thích của ông PKB rất tùy tiện, dẫn tới những sai lầm tệ hại. Chẳng hạn, mục Chùa chiền, các tác giả viết: “Gian giữa, từng trên nhất thờ ba vị Thế Tôn…, kế đến là Mụ Thiện 12 tay, rồi đến Bà Di Di Lặc béo phục phịch, tục truyền bà ấy nhịn mặc mà ăn cho nên béo…” (sđd, tr.86).
Tài liệu Phật học nào nói Phật Di Lặc, Bồ-tát Di Lặc là bà? Do nhịn mặc mà ăn cho nên béo? Ông PKB cho là theo tục truyền? Một nhà nghiên cứu đúng nghĩa, có công tâm không thể bằng lòng với lối “tục truyền” vớ vẩn như vậy mà phải biết suy xét, đối chiếu với kinh điển của Phật giáo trước khi mô tả, giải thích những sự kiện mình chưa nắm rõ.
Viết như thế, ông PKB đã bắt đầu cho thấy kiến thức rất sai lạc của mình về Phật giáo.
2. Vấn đề Tính chất địa phương
Toàn bộ những mục, những phần về phong tục, tập tục có liên quan tới Phật giáo nơi sách VNPT, chúng tôi đã nêu ra ở trước, đều chỉ có tính chất địa phương. Rõ nhất là ở mục Cầu tự (sđd, tr.56-57) và mục Chùa chiền (sđd, tr.86-87). Xin đọc tiếp đoạn chúng tôi vừa dẫn: “Kế đến tượng Quan Âm có Kim đồng, Ngọc nữ làm hầu đôi bên, một bên cỡi con bạch tượng, một bên cỡi con thanh sư. Rồi đến tượng Ngọc Hoàng, một bên là Nam Tào, một bên là Bắc Đẩu. Ngoài cùng thì là tượng Cửu Long bằng đồng có Phật Thích Ca đứng giữa” (sđd, tr.86).
Lối thờ cúng nơi chánh điện chùa được mô tả như vậy là chỉ đúng cho một số chùa nào đó của miền Bắc vào thời ấy mà thôi. Thế thì ông PKB đã có những tiếp cận gì với các ngôi Tổ đình nơi miền Trung, như ở Huế chẳng hạn? Hoặc các ngôi chùa ở miền Tây Nam Bộ phần lớn vốn thuộc hệ Phật giáo Nam truyền?
3. Tính chất thiếu công bằng, thiếu thiện cảm
Ông PKB đã nhìn Phật giáo và Phật giáo Việt Nam với con mắt không công bằng, thiếu thiện cảm, nếu không nói là ác cảm. Điều này có thể thấy qua một số nhận xét, phê phán nhỏ nơi các trang 57, 63, 86, 89, 144, nhất là ở trang 89, ông PKB viết: “Phật giáo cũng là một tôn giáo riêng, chủ nghĩa trọng sự hư vô tịch diệt, nhất thiết cho sự đời là không không, cũng có lý tưởng, dễ đã bài bác được”. Cho Phật giáo “trọng sự hư vô tịch diệt, nhất thiết cho sự đời là không không”, chúng tôi sẽ bàn nơi phần sau. Ở đây chỉ xin biện chính về mấy điểm:
* Viết như vậy, tức ông PKB đã xem Phật giáo chỉ là một tôn giáo ngoại lai, hoàn toàn không dính dáng tới dòng chảy lịch sử của dân tộc. Rõ ràng là ông PKB đã không thấy được sự gắn bó và đóng góp rất lớn của Phật giáo đối với quá trình giữ nước và xây dựng đất nước Việt Nam. Nếu là một nhà nghiên cứu có công tâm, có những thâu tóm, quán xuyến về lịch sử, tất ông PKB phải thấy ngay từ thế kỷ thứ VI TL, nhà nước Vạn Xuân của Lý Bí, dù thời gian độc lập rất ngắn ngủi, cũng bỏ tiền ra xây dựng chùa Khai Quốc (Tiền thân của chùa Trấn Quốc). Và vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã viết về chùa Trấn Quốc:
“Trung lập càn khôn vững đế đô…”. (Thơ Nôm, Thơ Văn Lê Thánh Tông, NXB.KHXH, 1986, tr.93).
Nếu có được những tư liệu ấy, hẳn ông PKB sẽ dư hiểu thế nào là khai quốc, thế nào là càn khôn, thế nào là đế đô.
* Có thể phải đợi đến 50, 60 năm sau, giới tri thức Việt Nam hiện đại mới đánh giá đúng và công bằng về tính chất “bản địa hóa” của Phật giáo ở Việt Nam, về vai trò của Phật giáo trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc. Nhưng ở thế hệ Hán học, ngay từ thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn (1726-1784) trong sách Kiến văn tiểu lục đã đánh giá rất đúng về tính chất xuất thế – nhập thế của Phật giáo, đã biện chính rất xác đáng về một số vấn đề liên hệ của Phật học, vốn là những thành kiến của đám Nho sĩ cố chấp. Nơi trang 10, sách VNPT, ông PKB có nhắc qua sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn. Từ Vân đài loại ngữ đến Kiến văn tiểu lục đâu có xa xôi gì, sao ông PKB không tìm đọc để biết người, biết ta?
* Chính vì không công bằng, thiếu thiện cảm nên ông PKB đã viết về ảnh hưởng của Phật giáo thời Lý-Trần đối với xã hội Việt Nam bấy giờ như một kiểu bắt chước, a dua:
“Từ bấy giờ, đạo Phật mỗi ngày một thịnh, dân gian dần dần bắt chước nhau, làng nào cũng lập chùa, cũng đúc chuông, xã nào cũng xây tháp, cũng tô tượng…” (sđd, tr.89).
* Nhưng đáng chú ý hơn cả là đoạn văn sau đây:
“Vả lại chỗ Phật đường, phần nhiều người chân tu thì ít, mà phần người trốn chúa lộn chồng, ăn bơ làm biếng, trốn xâu lậu thuế, mượn cửa Bồ-đề mà nương thân thì nhiều. Ấy lại là một cái hang để chứa những kẻ bậy bạ nữa” (sđd, tr.89).
Chúng tôi xin bàn thêm qua hai khía cạnh:
– Về phía chùa chiền:
+ Cuối thế kỷ XIX và mấy thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam rơi vào sự suy kém, nên nhiều ngôi chùa đã trở thành chốn dung thân của đám người ô hợp bất hảo. Nhưng nhiều, phần nhiều cũng chưa phải là tất cả. Cho dù toàn bộ các ngôi chùa mà ông PKB đã “mắt trông thấy, tai nghe tiếng” đều là trụ xứ của đám người ô hợp bất hảo, thế cũng chưa phải là tất cả chùa chiền của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ. Câu viết: “Ấy lại là một cái hang…” là lối viết ngầm khái quát hóa theo hướng “vơ đũa cả nắm!”.
+ Nếu có một sự quán xuyến về lịch sử, hẳn ông PKB phải thấy rằng, sách của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đã dành một số trang để viết về các bậc cao tăng từng có mặt nơi vùng đất mới của tổ quốc ở phương Nam. Các vua đầu triều Nguyễn (Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) cũng đã có những quan tâm về việc cho xây chùa, trùng tu chùa, sắc phong một số danh tăng chức Tăng cang để trụ trì các ngôi tổ đình, các ngôi quốc tự. Nhà nghiên cứu có công tâm không chỉ bằng lòng với sự “nghe thấy” rất hạn chế của mình (Phật học gọi là “hiện lượng”) mà còn phải biết đối chiếu, so sánh (Phật học gọi là “tỷ lượng”), còn phải dựa vào quá khứ, dựa vào các kiến giải, đánh giá của các bậc cao minh, thông tuệ (Phật học gọi là “thánh giáo lượng”). Có thế thì nhận xét, phê phán của mình mới chính xác, hợp lý. Viết như ông PKB là lối viết cố ý muốn cho người đọc hiểu rằng chùa chiền ở Việt Nam xưa nay chỉ là vậy!
+ Mà ngay nơi thời đại của PKB (1875-1921), Phật giáo Việt Nam không phải là không có các vị danh tăng tài ba đức độ. Xin nêu một số vị tiêu biểu: Thanh Hanh (1840-1936), Thanh Tường (1858-?), Huệ Định (1861-?), Phước Hậu (1866-1953), Phước Huệ (1869-1945), Phổ Tuệ (1870-1931), Huệ Pháp (1871-1927), Đắc Ân (1873-1935), Bích Liên (1876-1950), Khánh Hòa (1877-1947), Viên Thành (1879-1928), Giác Tiên (1880-1936) v.v… Ông PKB cho là “phần nhiều người chân tu thì ít”, ít chứ không phải là không có. Và chư vị ấy mới là chùa chiền, mới là Phật giáo Việt Nam, mới là cây và rừng.
– Về phía những kẻ thuộc thành phần ô hợp, bất hảo:
Mượn cửa Bồ-đề để dung thân, họ đúng là đáng bị chê trách. Nhưng trong số ấy hẳn cũng có nhiều kẻ đáng thương. Cùng đường nơi cuộc sống xã hội, chỉ còn một cửa sanh duy nhất là cửa chùa, nhờ đấy mà có miếng cơm, manh áo độ nhật. Vào chùa, những kẻ kia có thể vẫn tiếp tục nói sai, làm bậy, nhưng cũng có thể có một số người “đổi đời”, vì đạo Phật đã nói đến việc “Buông đao thành Phật”, hoặc “Quay đầu là bờ”. Viết như ông PKB là lối văn miệt thị, mạt sát của một người nghiên cứu không có cái tâm.
4. Khía cạnh tiêu cực
Chính vì thiếu thiện cảm với đạo Phật, nên đối với một số tập tục có liên quan tới Phật giáo, ông PKB đều chỉ nhìn thấy và khoét sâu khía cạnh tiêu cực. Rõ nhất là ở phần Hội Chư Bà (sđd, tr.143-144). Hoặc đối với tập tục “Đóng góp cho nhà chùa”, ông PKB viết:
“Lại rất đỗi bọn đàn bà ngu xuẩn chỉ mê tín về lời họa phúc, động thấy nói về việc chùa việc Phật thì bỏ bao nhiêu tiền ra cúng cũng không tiếc. Thậm chí có người quanh năm chịu thương chịu khó, làm ăn vất vả mà không dám ăn của ngon mặc của tốt, chỉ để dành cúng vào việc nhà chùa…” (sđd, tr.89).
Nhận xét của ông PKB ở đây không phải là điều mới mẻ. Ngay từ giữa thế kỷ XIV, Lê Bá Quát, nơi văn bia chùa Thiệu Phúc ở thôn Bái, tỉnh Bắc Giang đã nói rồi (xem Thơ văn Lý-Trần, tập III, NXB.KHXH, 1978, tr.144-145). Có điều, văn của Lê Bá Quát nhã nhặn, phải trái phân minh, cho “Nhà Phật lấy chuyện họa phúc tác động tới lòng người, sao mà cảm phục được người ta sâu và bền vậy” (Tuấn Nghi dịch, Thơ văn Lý-Trần, tập III, sđd, tr.145) là đã nhìn nhận sự việc theo hướng tích cực. Còn ông PKB thì dùng lối văn mạt sát, trịch thượng để gọi số tín nữ tham gia nhiều vào công việc cúng dường nhà chùa là “bọn đàn bà ngu xuẩn, chỉ mê tín về lời họa phúc”. Rõ ràng là do thành kiến, do ác cảm nên ông PKB đã khuếch đại sự việc theo ngả tiêu cực. Điều đáng nói thêm là, loại ngôn ngữ: “Bọn ngu phu ngu phụ”, “Bọn ăn bơ làm biếng”, “Bọn hạ lưu xã hội mê tín sự báo ứng”, “Bọn ngu xuẩn” đã được ông PKB tiếp tục sử dụng ở phần sau để phê phán về sự suy kém của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ (tr.173).
Bây giờ, xin sang phần viết về Phật giáo:
Ông PKB đã dành 5 trang sách để viết về Phật giáo Việt Nam (VNPT, sđd, tr.168-173).
Tác giả đã viết về Tam tạng kinh điển của Phật giáo như sau:
“Ngài (chỉ Đức Phật) mất rồi, các học trò soạn nhặt các lời di ngôn, tập lại thành sách, cả thảy bốn mươi hai chương, chia làm 3 quyển gọi là kinh Tam tạng” (sđd, tr.169).
Viết như thế tức là không hiểu biết gì về ba tạng kinh điển của Phật giáo, tức là không hiểu biết gì về Phật giáo. Không hiểu biết gì về Phật giáo mà viết về Phật giáo thì chỉ có viết sai và viết bậy mà thôi. Hai trang rưỡi sách viết tổng quát về Phật giáo (tr.168-171) đã cho thấy quá rõ điều ấy.
i – Cho “Phật giáo do ở đạo Bà La Môn mà ra” (tr.168) là sai, hoàn toàn sai.
ii – Cho “Sanh lão bệnh tử là bốn cái kiếp khốn nạn” (tr.168) là sai, là không hiểu gì về Tứ đế của Phật giáo.
iii – Cho Đức Phật Thích Ca thấy sự khổ ở đời: “Vì thế chán đời, mà cầu một phép để giải thoát…” (tr.168) là không đúng, là cố tình xuyên tạc sự kiện xuất gia tầm đạo của Thái tử Tất Đạt Đa.
iv – Viết “Sanh ra khỏi, Ngài đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà thét lên rằng: Trên thì giời, dưới thì đất, duy có Ta là quý hơn cả” (tr.169).
Làm gì có chuyện “thét lên rằng!” (có lẽ là chữ thốt, do in sai chăng?). Câu nói của Thái tử lúc mới sinh, các kinh thuộc Hán tạng dịch là: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn”, dịch sang tiếng Việt: “Trên trời, dưới trời, chỉ có Ta và giáo pháp của Ta là tôn quý” (Xem thêm bài viết của chúng tôi: “Chi tiết linh diệu nơi ngày Đản sinh của Đức Phật theo các kinh thuộc Hán tạng (Tuần báo Giác Ngộ, số 121, 22-5-2002, tr.12-13, 62).
v – Về lý do xuất gia của Thái tử: “Năm 29 tuổi…, xảy thấy một người già yếu tàn tật vào xin ăn, mới suy nghĩ ra đời người toàn là cảnh khổ, lập tức đêm ấy bỏ nhà vào rừng đi tu” là không đúng, là không hề tham khảo kinh Phật, sách Phật.
vi – “Tục truyền ông ấy (chỉ Phật) về sau ăn mỡ lợn, phát trướng mà mất ở nơi Câu Thi. Lúc gần mất, ông ấy nói rằng: “Nay ta đã lên cõi Niết-bàn nghĩa là lên đến chỗ Cực lạc thế giới” (tr.169).
Đoạn văn được dẫn gồm 3 thứ sai lầm:
* Viết về bữa ăn sau cùng của Đức Phật như ông PKB là viết bậy. Viết bậy theo một tài liệu vớ vẩn nào đó rồi phủ lên hai chữ “tục truyền” (Xem thêm Đức Phật lịch sử, H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1997, tr.569-575).
* Viết “Lúc gần mất, ông ấy nói rằng…” cũng là viết sai, quá sai. Không một kinh thuộc Hán tạng nào ghi lại những lời dạy sau cùng của Đức Phật như vậy cả. Về kinh điển thuộc Nam truyền, xin xem đoạn tài liệu vừa dẫn ở trên.
* Viết “Nay ta đã lên cõi Niết-bàn nghĩa là…” Chứng tỏ ông PKB không hiểu biết gì về Niết-bàn của Phật giáo.
vii – Giải thích: “Tạng nghĩa là chứa, vì các lời Ngài chép ra chứa vào một chỗ, cho nên gọi là Tạng” (tr.169) là không đúng.
viii – Giải thích Kinh tạng “Là những lời luân thường đạo lý” (tr.170) là sai, là chỉ dựa theo sách Nho để đoán mò, là chưa hề tiếp cận đến kinh Phật.
ix – Viết “Đạo Phật chia trong cơ thể, gọi là Lục côn (Sáu cái gốc) là Nhãn… (tr.170).
Chữ 根,Từ Hải (Tối tân tăng đính bản, tập trung, tr.2.322A) ghi đọc là Cân, ta quen đọc là Căn, Lục căn (không ai là Côn cả, trừ ông PKB), giải thích là Sáu cái gốc là không đúng. Từ Hải đã giải thích: “Sách Phật dùng với nghĩa là có khả năng sinh khởi, do có thể đối nơi cảnh, sinh Thức”.
x – Giải thích: “Lục trần là sáu cái bụi” (tr.170) là sai, quá sai.
xi – Cho “Mục đích đạo Phật chỉ có hai chữ Hư vô là kiêm hết” (tr.170) là quá sai, quá sai lầm, là không hiểu gì hết về chữ Không của Phật giáo.
xii – Giải thích về bốn Thiền – Sơ thiền: Không lo lắng – Nhị thiền: Không khổ não – Tam thiền: Rất vui sướng – Tứ thiền: Không phải chịu vòng Luân hồi nữa. (tr.170) là sai, hoàn toàn sai, không rõ ông PKB căn cứ vào đâu mà giải thích như thế? (Xem thêm Đức Phật lịch sử, sđd, tr.141-142).
viii – Giải thích Luân hồi “Là kiếp trước làm những điều tội ác…” (tr.170) là không đúng.
14- Giải thích về Giải thoát “Ra được ngoài vòng Luân hồi, rồi mới lên được cõi Niết-bàn, nghĩa là lên cõi không không, là nơi Cực lạc thế giới” (tr.170-171) là quá sai, là không hiểu gì về giải thoát, về Niết-bàn, về thế giới Cực lạc của Phật giáo.
Chúng tôi chỉ góp ý vắn tắt mà không biện chính, vì đấy là những sai lầm thuộc loại “không hiểu biết gì về Phật giáo”, thật không thể tưởng tượng nổi đấy lại là “kiến thức về Phật học của một nhà Nho trí thức khoa bảng như PKB từng là một “Bỉnh bút” của tạp chí Đông Dương, nổi tiếng một thời, biên soạn, dịch thuật có đến năm sáu tác phẩm!
Thử nhìn sang Trung Quốc, cùng một lớp tuổi với PKB (1875-1921) là Lương Khải Siêu (1873-1929). Họ Lương cũng đỗ đạt, cũng làm báo, cũng tham gia cách mạng nhưng Lương Khải Siêu đã nghiên cứu Phật học thấu đáo biết là dường nào!
Từ đầu trang 171 đến đầu trang 173, ông PKB dựa theo sách Việt Sử yếu lược của Quận Hoàng (?) để dịch ra, nói tóm lược về đạo Phật từ Ấn Độ truyền sang Tàu, sang Việt Nam. Ở đây chỉ là mấy nét tóm tắt, nhưng có những thuật ngữ, tên người, cần dịch và đọc cho đúng:
* Đó là lần thứ nhất Phật giáo hội tụ… đó là lần thứ hai Phật giáo hội tụ (tr.171). Chúng tôi không rõ nguyên văn nơi sách Việt Sử yếu lược kia, nhưng hai lần ấy phải viết là: Lần kết tập kinh điển thứ nhất, lần kết tập kinh điển thứ hai, chứ không phải là Phật giáo hội tụ.
* Trang 171:
+ Thành Vương Xá chứ không phải là Vương Sá.
+ Ma Ha Ca Diếp chứ không phải là Ma Kha Ca Diếp.
+ Ca Diếp Ma Đằng, Trúc Pháp Lan chứ không phải là Nghiệp Ma Đằng, Chúc Pháp Lan.
+ Nghĩa Tịnh chứ không phải là Nghĩa Tính.
+ Về ba vị dịch kinh Phật (Hán dịch) ở Trung Quốc vào thời kỳ đầu, chỉ có Khang Mạnh Tường là đúng, còn hai vị kia có lẽ là Chi Lâu Ca Sấm, An Thế Cao, chứ không phải là Chi Đầu Đà, Mã An Thế như ông PKB đã viết.
Đoạn sau (tr.172), ông PKB có “xét ở cựu sử” để bàn, chẳng hạn:
“Đời vua Đại Hành nhà Lê, sứ Tàu đến nước ta… sau vua lại sai sứ sang Tàu cầu kinh Tam Tạng, vậy thì Phật giáo truyền sang nước ta từ đó” (tr.172), viết như vậy là không đúng. Thời bấy giờ chắc chắn là ông PKB không đủ tư liệu và tầm nhìn để viết về thời kỳ du nhập đầu tiên của Phật giáo vào Việt Nam.
Hoặc: “Vậy Khổng giáo (từ thế kỷ XV trở đi) mỗi ngày một thịnh, thì Phật giáo mỗi ngày một suy, cũng là cái thềm bậc tiến hóa tự nhiên đó (tr.172). Viết như vậy là không đúng với lịch sử, là không biết đọc lịch sử Việt Nam. Thực tế lịch sử Việt Nam ở thời cận đại và hiện đại đã hoàn toàn bác bỏ lối lý luận cổ lỗ ấy.
Ông PKB viết:
“Đạo Phật bày ra lắm điều kỳ ảo: Nào luân hồi, nào siêu thoát, nào họa phúc, nào nhân quả, nói toàn những mối dị đoan, làm cho lòng người mê tín mà không ích cho sự thật, cho nên đạo Nho phải bác đi, không cho là chính đạo”(*) (tr.172). Đến đây thì chúng tôi đã hiểu, đã giải thích được cái nghi vấn nêu trên: Vì sao một nhà Nho khoa bảng như ông PKB lại có một hiểu biết quá đỗi sai lạc về Phật học như thế?
Viết như vậy, chứng tỏ ông PKB đã không hiểu gì về Phật giáo, mà cũng chẳng hiểu gì về triết lý, triết học! Những câu hỏi hàng đầu của triết học cổ kim Đông, Tây về con người: Con người từ đâu sinh ra? Vì sao trong xã hội loài người có kẻ sang người hèn, kẻ thọ người yểu, kẻ đẹp người xấu, kẻ thiện người ác?… Các cụm triết lý Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, họa phúc của Phật giáo là những nỗ lực lớn để góp phần giải đáp các câu hỏi trên. Phải cố gắng tìm hiểu đến nơi đến chốn về tôn giáo đó, học thuyết đó thì mới cầm bút viết về nó. Chân lý đơn giản như vậy mà ông PKB cũng không hiểu. Tệ hơn nữa, ông lại rơi vào hàng Nho sĩ cố chấp, chỉ biết và cho mỗi một đạo mình là chính! Rất tiếc là ông PKB đã không đọc Kiến văn tiểu lục, để thấy Lê Quý Đôn (1726-1784) đã biện chính rất đầy đủ về vấn đề ấy và đã cho hạng Nho sĩ thiển cận đó là hẹp hòi. Trong những trang viết của mình, ông PKB đã ba lần cho Phật giáo là chủ trương hư vô (tr.89, 170, 172), nhưng giá ông đọc được câu thơ Nôm của Nguyễn Công Trứ (1788-1858) nơi bài “Vịnh Phật” để thử hiểu họ Nguyễn nói gì:
“Trong ống dòm đổ tiếng hư vô”.
Mới hay, khi con người đã thu mình vào đáy giếng hẹp hòi, cố chấp thì bầu trời nhận thức của họ bất quá cũng chỉ bằng cái nong cái nia úp lên mặt giếng mà thôi.
Nửa trang 173 còn lại, ông PKB đã ghi nhận và phê phán về hiện trạng suy kém của Phật giáo Việt Nam thời bấy giờ, với thứ ngôn ngữ như chúng tôi đã nêu ra ở trước.
Như thế là ông PKB, qua những trang sách viết về Phật giáo nơi VNPT, đã bắn súng lục vào quá khứ hơi nhiều. Có điều những viên đạn súng lục ấy là loại đạn giả, đạn thối, nên tác dụng của chúng hầu như không đáng kể. Các nhà nghiên cứu đi sau như Trần Trọng Kim (1882-1953), Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940), Bùi Kỷ (1887-1960), Phạm Quỳnh (1892-1945), Trần Văn Giáp (1898-1973) đều có viết về Phật học và không ai giẫm phải những sai lầm tệ hại như ông PKB.
Nhưng vào khoảng 1966, ở Sài Gòn, ông Toan Ánh, trong bộ sách Nếp cũ: Con người Việt Nam (2 tập, mà NXB.Văn Nghệ TP.HCM tái bản đổi tên là Tín ngưỡng Việt Nam, 2 tập, 2000) đã tham khảo khá kỹ những trang viết hết sức sai lạc của PKB về Phật giáo nơi sách VNPT (từ tr.168-172).
Gọi là tham khảo khá kỹ vì có đoạn ông Toan Ánh sửa đổi, thêm bớt diễn đạt tạo sự nối tiếp, có đoạn thì chép ý nguyên văn của PKB, và toàn bộ những sai lạc tệ hại của sách VNPT đã có mặt đến hơn 80% nơi sách Tín ngưỡng Việt Nam, kể cả những sai lầm về thuật ngữ, về tên người như chúng tôi đã nêu ở trước: Phật giáo hội tụ, Nghiệp Ma Đằng, Chúc Pháp Lan, Đại sư Nghĩa Tịnh (635-713) sách VNPT viết là Nghĩa Tính, ông Toán Ánh đổi là Nghĩa Đô (!). (Xem Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, NXB.TP.HCM, 2000, tr.269-275).
Người đọc có thể thấy rõ thiện chí và những cố gắng tối đa của ông Toan Ánh trong việc tiếp cận tư liệu để viết về Phật giáo Việt Nam, từ phần Phật giáo trước năm 1960 ở miền Nam trở đi (Tín ngưỡng Việt Nam, sđd, tr.276-329). Riêng phần viết về Lễ Vu lan nơi sách Tín ngưỡng Việt Nam, xin xem thêm bài viết của chúng tôi “Lễ Vu lan, rằm tháng Bảy qua sự ghi nhận…”, nguyệt san Giác Ngộ số 65-66, tháng 8-9-2001). Đáng tiếc là nơi phần trước viết tổng quát về Phật giáo, ông Toan Ánh đã chọn nhầm tài liệu tham khảo.
Đào Nguyên(trích nguyệt san Giác Ngộ số 281, 282)
(*) Về điều gọi là bài bác Phật giáo của các Nho sĩ như ông PKB đã khẳng định, chúng tôi đã biện chính đầy đủ nơi bài viết: “Góp ý Biện chính về phần “Phật giáo và Văn học Việt Nam” nơi sách Từ điển Văn học Việt Nam của Lại Nguyên Ân, nguyệt san Giác Ngộ các số 110, 111, 112, tháng 5, 6, 7-2005.
Ông PKB có nhắc tới sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn, nhưng chính nơi sách ấy, Lê Quý Đôn đã có đoạn biện chính xác đáng đủ để trả lời cho những điều ông PKB đã viết. Lê Quý Đôn viết:
“Kinh Phật nói thuyết Luân hồi, nhà Nho thường không tin; nhưng xưa nay những sự việc mà người ta tai nghe mắt thấy, ghi chép cũng nhiều không thể kể hết được, thực ra không phải là không có lý ấy. Khổng Tử nói: “Đức của quỷ thần thịnh thay, trông không thấy, lắng cũng không nghe, mà rờn rợn như ở trên, như ở bên tả bên hữu”. Thuyết âm ty địa giới tựa như hoang đường, nhưng tóm lại là do ở sự huyền bí của tạo hóa, sự chia cách giữa âm dương làm cho người ta không trông thấy, không nghe thấy đó thôi. Lúc tế lễ quỷ thần giáng lâm, thể phách tuy tàn nhưng thần thức vẫn tụ. Những chuyện bẩm thụ hình thể đầu thai làm người nói trong kinh Phật cũng là thần thức đó thôi. Tính mặt trời, mặt trăng giáng xuống thành nước lửa, khí nước lửa bốc lên thành sấm gió, diệu dụng biến hóa của trời đất đi đi lại lại không lường được, huống chi là người”. (Vân đài loại ngữ, Phạm Vũ, Lê Hiền dịch, và chú giải, NXB.Miền Nam, S, 1973, tr.61).
Trực tiếp: Lễ Khai Mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 tại chùa Tam Chúc Hà Nam, Lễ Tắm Phật và Thả Bong Bóng Cầu Nguyện Hòa Bình Thế Giới
Ngày 24-3 (19-2 âm lịch), lễ chính thức (lễ vía Đức Bồ tát Quán Thế Âm) của Lễ hội Quán Thế Âm 2019 thu hút hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân, du khách tham gia.
Chùa Linh Ứng Bãi Bụt Sơn Trà là ngôi chùa lớn nhất ở thành phố Đà Nẵng cả về quy mô (rộng khoảng 20ha) lẫn kiến trúc nghệ thuật. Đây là ngôi chùa nằm trong quần thể du lịch bán đảo Sơn Trà được xây dựng với sự kết hợp hài hòa giữa nét hiện đại và truyền thống của chùa Việt, hiện đang là điểm du lịch mới của thành phố biển xinh đẹp này. chùa linh ứng sơn trà Tượng Phật Bà Quan Thế Âm trên sân chùa Linh Ứng với chiều cao 67m, đường kính tòa sen 35m, tương đương tòa nhà 30 tầng đang được xem là bức tượng Phật cao nhất ở Việt Nam hiện nay.
Đại Giới Đàn Tôn Thắng - Lễ Khai Mạc
Chùa Kỳ Viên nguyên thủy có tên là chùa Quang Lâm , được thành lập năm 1960 . Trùng Tu năm : 1968 Do Thượng Tọa Thích Bảo Toàn trụ trì từ năm 1983 đến 1999 viên tịch hiện nay do Đại Đức Thích Đạo Hạnh làm trụ trì . Tọa lạc tại : 72 Lê Đình lý – Quận Thanh Khê Thành Phố Đà Nẵng